Hãy công bằng hơn với Ronald Koeman
Ronald Koeman đã chính thức rời khỏi Barcelona sau hơn 1 năm đầy giông bão. Nhưng vấn đề của đội bóng này không chỉ nằm ở lỗi của ông.
Quãng thời gian đầy bão tố vừa qua ở Barcelona có thể khiến bạn vô tình quên đi vai trò quan trọng của Ronald Koeman trong lịch sử đội bóng chủ sân Camp Nou. Hơn 19 năm về trước, ngày 20/5/1992, Barcelona đối đầu Sampdoria trong trận chung kết C1. Hai đội thi đấu giằng co với nhau và bước vào hiệp phụ.
Phút 112, Barcelona được hưởng quả đá phạt hơn 20m trước vòng cấm Sampdoria. Koeman lấy đà, tung một cú sút cực mạnh đưa bóng găm thẳng vào góc khung thành thủ môn Pagliuca bên phía đội bóng Italia. Bàn thắng duy nhất đó đã giúp Barcelona giành chiếc cúp C1 đầu tiên trong lịch sử của mình. Và Koeman, cùng đội hình “Dream Team” mà Johan Cruyff gây dựng, sẽ mãi mãi được nhớ tới vì điều đó.
Nói câu chuyện lịch sử ở đây không phải để biện minh cho Koeman vì quãng thời gian vừa qua, đơn giản chỉ để tất cả chúng ta có một phán xét công bằng và đúng mực về nhà cầm quân người Hà Lan. Koeman rất yêu Barcelona, minh chứng là việc ông sẵn sàng từ bỏ một nơi mà ông đang thực sự tạo được dấu ấn là đội tuyển Hà Lan để trở lại với một CLB gặp khủng hoảng trầm trọng như Barca.
Tất nhiên, “quân thua thì chém tướng”, Koeman không làm tốt trong quãng thời gian qua và việc ông phải nói lời chia tay là điều hiển nhiên. Song, ông có những sai lầm và cả những công lao với đội bóng chủ sân Camp Nou trong quãng thời gian hơn 1 năm làm việc tại đây.
Khi Barcelona đang khủng hoảng niềm tin trầm trọng sau thất bại thảm họa 2-8 trước Bayern Munich ở Champions League, chiếc ghế HLV trưởng của Blaugrana trở nên nóng hơn bao giờ hết. Quả thực lúc đó khó lòng tìm được một nhà cầm quân nào sẵn sàng thay thế vị trí của Quique Setien, nhất là trong bối cảnh người được chờ đợi nhất là Xavi Hernandez thì chưa muốn trở về. Và chính Koeman đã chấp nhận “nhảy vào lửa”.
Trong bối cảnh tình hình tài chính của Barca ngày càng bi đát, họ phải tìm cách nói lời chia tay với nhiều cầu thủ lão tướng nhằm giảm tải quỹ lương. Cho đến lúc này, Luis Suarez vẫn còn rất “hận” Koeman vì cách ông gọi điện thông báo ngắn gọn việc tiền đạo người Uruguay sẽ phải rời khỏi đội bóng chủ sân Camp Nou. Về câu chuyện này cần có một cách nhìn từ nhiều phía.
Trước hết, Koeman có biệt danh “Trung sĩ” bởi ông vốn nổi tiếng là một chiến lược gia cứng rắn. Có thể ông đã có phần lạnh lùng trong việc thông báo với Suarez, song quả thực trong khoảng 1 năm cuối cùng ở Barca, chân sút người Uruguay đã sa sút rất nhiều khi thường xuyên dính chấn thương và cũng không còn sự nhạy bén cao nhất nữa. Việc Koeman muốn mang đến một làn gió mới cho đội bóng là điều có thể hiểu được.
Và làn gió mới mà Koeman mang đến chính là những Pedri, Ronald Araujo, Gavi. Việc nhà cầm quân người Hà Lan tạo cơ hội thi đấu cho những cầu thủ trẻ này giúp họ dần “cứng cáp” hơn, qua đó chính là đặt nền móng cho tương lai của Barca. Mùa trước, Koeman đã dẫn dắt Barcelona trải qua chuỗi 16 trận đấu liên tiếp mà trong đó chỉ thua đúng 1 trận. Trong một giai đoạn đầy khốn khó, chiến lược gia người Hà Lan vẫn đưa Barca giành được một Copa del Rey và thậm chí có thời điểm còn đua vô địch La Liga một cách hết sức nghiêm túc.
Tất nhiên, không phải Koeman không có những mặt hạn chế. Việc đội bóng không thể thi đấu khởi sắc ở mùa này nằm ở sự bế tắc về chiến thuật của ông, mà hệ quả là việc có những lúc ông phải đẩy cả Gerard Pique lên đá tiền đạo để đón những đường tạt bổng. Những thương vụ mà nhà cầm quân này mang về cũng không hoàn toàn đảm bảo chất lượng, điển hình là Luuk de Jong. Nhưng thất bại của tập thể này, những điều mà họ phải trải qua cho đến bây giờ không thể chỉ đổ hêt lỗi cho Koeman.
Koeman đã làm hết sức có thể, nhưng có lẽ sức của ông thì không thể cứu được con tàu đắm mang tên Barcelona. Dù sao, 1 chiếc cúp vô địch trong giai đoạn Barcelona khủng hoảng trầm trọng vẫn là chiến tích đáng trân trọng của chiến lược gia người Hà Lan.
- Tin thể thao bóng chuyền ngày 3/10: Kazakhstan và Hàn Quốc dừng bước tại vòng 1 giải bóng chuyền thế giới
- Tin thể thao tổng hợp ngày 2/10: ĐT futsal Việt Nam vào tứ kết giải châu Á, Thùy Linh viết trang sử mới cho cầu lông Việt Nam
- Chung kết giải bóng rổ HBC 2022: 3F Galaxy và Fudo giành chức vô địch đầy cảm xúc
- Tin bóng chuyền ngày 2/10: Hàn Quốc có chiến thắng đầu tiên sau 18 trận thua, giải bóng chuyền trẻ các CLB toàn quốc khởi tranh.
- Tin thể thao tổng hợp ngày 1/10: Nguyễn Thuỳ Linh vào chung kết giải Vietnam Open, Hà Nội đại thắng Bình Dương
- Tin bóng chuyền ngày 1/10: Thanh Thúy nhận lương khủng, Nhật lần đầu thắng Brazil sau 5 năm
- 6 đội tuyển mạnh tranh tài tại Giải bóng chuyền nữ Cúp Cát Bà Amatina lần thứ Nhất năm 2022
- Kết quả giải vô địch bóng rổ Hà Nội: Chung kết gọi tên 3F Galaxy cùng tuyển Hà Nội
- Tin thể thao tổng hợp ngày 30/9: ĐT futsal Việt Nam rộng cửa vào tứ kết, Vũ Thị Trang tạo địa chấn tại giải Việt Nam mở rộng
- Lịch thi đấu bán kết giải bóng rổ vô địch Hà Nội (HBC) 2022