Jason Quang-Vinh Pendant: Khát vọng chơi cho Việt Nam của cầu thủ gốc Việt có hồ sơ sáng giá nhất

Nếu PSG là ông vua mới nổi của Ligue 1, thì Sochaux là thái tử, người thừa kế kiên nhẫn chờ đợi để đòi lại ngai vàng của bóng đá xứ sở.

Đây là một trong số những đội bóng hoàng gia của Pháp, một cái tên có bề dày lịch sử và một phòng truyền thống chật chội các danh hiệu. CLB có biệt danh Les Lionceaux đã trải qua 66 mùa giải thi đấu ở giải hàng đầu nước Pháp, chỉ đứng sau Marseiile (72 lần), Bordeaux và Saint-Etienne (69 lần). 

Được thành lập bởi Jean-Pierre Peugeot vào năm 1928, Sochaux được thành lập để công nhân của Peugeot có thể chơi bóng trong thời gian rảnh rỗi. Ông là một trong những người đầu tiên ủng hộ việc chuyên nghiệp hóa bóng đá Pháp. Năm 1929, ông thậm chí đi xa đến mức thừa nhận việc trả tiền cho các cầu thủ của mình, một điều bị nghiêm cấm do không có CLB chuyên nghiệp vào thời điểm đó. 

Nhờ việc thoải mái chiêu mộ các tuyển thủ Pháp, cũng như những cái tên nổi bật đang chơi bóng ở nước ngoài, Sochaux trở thành một thế lực thống trị trong môn thể thao này. Năm 1930, quy chế giải đấu chuyên nghiệp đầu tiên được ban hành. Với việc Peugeot là người ủng hộ mạnh mẽ cho ý tưởng này, Sochaux là một trong những cha đẻ sáng lập ra bóng đá Pháp như chúng ta biết đến ngày nay.

Thập niên 30 là kỷ nguyên vàng của Sochaux, khi chứng kiến đội bóng hai lần đăng quang Ligue 1 vào các năm 1935 và 1938. Thành công ở giải đấu này xen kẽ với lần đầu tiên giành danh hiệu Coupe de France vào năm 1937. 

Tuy nhiên, những năm tháng tươi đẹp này không kéo dài được lâu. Mọi hoạt động ở Pháp đều dừng lại vào năm 1939, bởi lời kêu gọi kháng chiến chống lại Phát xít Đức. Nhiều người trong đội, bao gồm cả HLV người Uruguay, Conrad Ross đã rời CLB để tiếp tục sự nghiệp của họ ở những nơi không bị chiến tranh tàn phá.

Khi bóng đá chuyên nghiệp trở lại vào năm 1945, Sochaux không thể đạt tới tầm ảnh hưởng trước chiến tranh. Những kết quả đáng buồn trên sân khác xa với những kết quả mà người hâm mộ đã quen thuộc trước đây. 

Phong độ kém cỏi của Sochaux dẫn đến việc các chủ sở hữu CLB trở nên thận trọng hơn trong việc chi tiêu. Họ chọn cách cân bằng sổ sách hơn là tham gia vào các cuộc đấu giá cho những cầu thủ xuất sắc nhất của giải đấu. Đội chủ sân Stade Auguste Bonal xuống hạng ở mùa giải đó và mặc dù trở lại Ligue 1 ở ngay mùa giải tiếp theo, họ bắt đầu một chu kỳ lên xuống quen thuộc đối với những người theo dõi Les Lionceaux. 

Đã 84 năm kể từ lần Sochaux vô địch Ligue 1 gần nhất. Ngay cả khi giành chức vô địch Coupe de La Ligue đầu tiên và năm 2004 và danh hiệu Coupe de France thứ hai trong lịch sử đội bóng vào năm 2007, rất lâu nữa để Sochaux trở lại ánh hào quang của quá khứ. 

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, thứ làm nên danh tiếng của Sochaux lại là học viện của họ, nơi liên tục phát triển những cậu bé tiềm năng ở địa phương, đồng thời lùng sục khắp thế giới để tìm ra những cầu thủ xuất sắc nhất. Sochaux được đánh giá là một trong 10 học viện hàng đầu nước Pháp (từng đứng thứ 4 năm 2010). 

Đội thành công nhất trong học viện là đội U19, khi họ đã hai lần vô địch Coupe Gambardella  vào các năm 1973 và 2007. Sochaux là một trong những đội thành công nhất trong lịch sử giải đấu này, với 5 lần vào chung kết và giành 3 danh hiệu. Có rất nhiều mầm non đáng chú ý từng được chăm sóc nơi đây trước khi ra biển lớn, chẳng hạn như El-Hadji Diouf, Jeremy Menez, Marcus Thuram hay Ibrahima Konate. 

Nếu bạn tra tên 15 cầu thủ giá trị nhất từng trưởng thành ở lò đào tạo Sochaux của transfermarkt, bạn sẽ thấy lá cờ đỏ sao vàng quen thuộc. Với mức định giá 600.000 euro, Jason Quang-Vinh Pendant trở thành cầu thủ gốc Việt đắt giá nhất, gấp đôi so với giá trị chuyển nhượng của Quang Hải (300.000 euro), cũng như đắt gấp rưỡi so với cầu thủ đẳng cấp nhất từng chơi bóng ở V-League, Lee Nguyễn (400.000 euro).

Cách đây hai năm, Pendant từng ít nhiều gây xôn xao dư luận Việt Nam, không chỉ vì anh là một trong những cầu thủ Việt kiều có hồ sơ “sáng” nhất, mà còn bởi hai chữ “Quang-Vinh” (chỉ xuất hiện trên một số rất ít các trang dữ liệu bóng đá) trong tên của cầu thủ này, như một cách để gia đình anh nhớ về quê hương.

Jason Quang-Vinh Pendant sớm thể hiện năng khiếu chơi bóng từ nhỏ và sau đó gia nhập lò đào tạo của Sochaux. Năm 2016, Jason Pendant được đôn lên chơi cho đội một của đội bóng này. Với khả năng lên công về thủ nhịp nhàng cùng tốc độ tốt, anh là sự lựa chọn số một của HLV Omar Daf cho vị trí hậu vệ cánh trái.

Ở mùa giải 18/19, Pendant đã thi đấu 31 trận tại Ligue 2 và là một trong những cầu thủ chủ chốt trong cuộc chiến trụ hạng của Sochaux. Dẫu vậy, ở mùa giải sau, hậu vệ sinh năm 1997 dần đánh mất suất đá chính vào tay của Christopher Rocchia.

Do muốn được ra sân thường xuyên hơn, hậu vệ gốc Việt đã từ chối gia hạn với Sochaux. Sau 5 mùa giải gắn bó, Pendent đã ra sân 75 lần cho đội bóng nước Pháp, ghi được 1 bàn thắng. Thậm chí ở vòng đấu khai màn mùa giải 18/19, trong trận tiếp đón Caen trên sân nhà, hậu vệ có mẹ là người Việt này còn được Sochaux tin tưởng trao tấm băng đội trưởng, sau khi Maxence Prevot dính chấn thương.

Tháng 3/2020, Pendent quyết định chọn New York Red Bulls của Mỹ, đội bóng cũ của huyền thoại Thierry Henry là bến đỗ tiếp theo. Tại đây, anh nhận mức lương 333.500 USD/năm, xếp thứ 8 tại đội bóng của mình.

Quãng thời gian đầu tiên của Pendent tại Mỹ diễn ra không thực sự suôn sẻ. bởi đại dịch Covid-19 khiến giải đấu liên tục bị ngắt quãng. Điều này khiến anh gặp nhiều khó khăn trong việc hòa nhập với cuộc sống nơi đây.

Sau khi đá 17 trên 18 trận đầu tiên cho New York Red Bulls, Pendent dính một chấn thương vai, khiến anh liên tục phải ngồi ngoài sau đó. Đến mùa giải này, cầu thủ 24 tuổi được chuyển xuống chơi cho đội dự bị và phải chơi ở USL Championship (giải hạng Hai của bóng đá Mỹ). Anh cũng mới chỉ có 9 lần ra sân trong năm nay.

Mặc dù vậy, Pendant cảm thấy vô cùng may mắn khi chơi bóng ở xứ sở cờ hoa. So với Ligue 2, MLS là một giải đấu tốt hơn, cả về mặt chất lượng lẫn hình ảnh.

“Mọi người cảm thấy MLS khác xa với bóng đá châu Âu. Nhưng với tôi, đây là cơ hội tốt để trở thành một phần của đại gia đình Red Bull. Họ sở hữu nhiều đội bóng, từ New York, Salzburg đến Leipzig. Đây là một trong những phương pháp hoạt động bóng đá hiệu quả và sáng tạo nhất hiện nay. Tôi cảm thấy rất vui vì New York Red Bull và MLS đã trở thành một phần trong sự nghiệp của mình", Pendant chia sẻ với Zing.

“MLS là một giải đấu giàu tính cạnh tranh, cầu thủ ở đây cũng rất đa dạng và chất lượng. Lúc này, tôi chỉ biết nỗ lực qua từng trận đấu và cho mọi người thấy sự tiến bộ của mình.”

Jason Quang-Vinh Pendent có mẹ là người Việt và cha là người Pháp. "Tôi từng đến Việt Nam trong một kì nghỉ năm 6 tuổi. Từ đó đến nay, tôi luôn cố gắng để trở lại đó. Nhưng bạn biết đấy, với công việc của một cầu thủ bóng đá, đây quả thực là điều không dễ,” cựu cầu thủ U18 Pháp chia sẻ về sự gắn bó giữa cá nhân anh và quê ngoại.

"Đối với tôi, hai chữ Việt Nam mang một ý nghĩa lớn. Việt Nam là một phần trong tim tôi. Đó là nơi mẹ tôi đã sinh ra và lớn lên. Trong tuổi thơ của mình, tôi cũng được nuôi dạy với những nét văn hóa đặc trưng của người Việt. Từ những món ăn, câu chuyện, bài hát cho đến cả phim ảnh..."

Chia sẻ với Goal, Jason Pendant tiết lộ mình vẫn thường xuyên tìm hiểu thêm về bóng đá ở đất nước hình chữ S, đồng thời để ngỏ khả năng sẽ khoác áo ĐT Việt Nam trong tương lai gần. 

"Ở nơi tôi sống, thật không dễ để theo dõi các trận đấu của ĐT Việt Nam. Song tôi luôn cố gắng cập nhật tin tức về bóng đá Việt. Tôi nghĩ các cầu thủ ở đó nhanh nhẹn, kỹ thuật và có ý thức kỷ luật tốt".

Còn nhớ ở AFF Cup 2020, hậu vệ Jason Pendant đã bỏ tiền túi sang Singapore để theo dõi và cổ vũ cho ĐT Việt Nam. "Tinh thần thi đấu không bao giờ bỏ cuộc, những người hâm mộ đầy cuồng nhiệt, thật tự hào khi có mặt ở đây. Tiến lên các chàng trai Việt Nam, hãy chiến đấu hết mình", anh chia sẻ trên trang cá nhân.

Trong quá khứ, VFF từng không ít lần đề cập đến việc tận dụng các tài năng gốc Việt ở nước ngoài. Năm 2019, một bản danh sách những cầu thủ xa xứ tiêu biểu đã được họ đưa ra. Với sức hút của mình, Jason Pendant là một trong số những cái tên đó.

Hậu vệ sinh ra ở Sarcelles, Pháp luôn đau đáu nỗi niềm được trở về quê mẹ để phục vụ đội tuyển Việt nam. Tuy nhiên đến nay, anh chưa nhận được bất kỳ lời đề nghị nào.

“Quan điểm của tôi vẫn vậy. Tôi hy vọng sẽ có cơ hội thử sức tại tuyển Việt Nam. Đối với tôi, hai chữ Việt Nam mang một ý nghĩa rất thiêng liêng. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa được VFF liên hệ. Lúc này, tôi chỉ biết cải thiện phong độ và màn trình diễn của mình tại đội bóng chủ quản. Tôi tin rằng vẫn có cách để tôi cùng VFF tìm thấy tiếng nói chung và tận dụng cơ hội này", Pendant chia sẻ với Zing.

Jason Pendant cũng thừa nhận những khó khăn pháp lý mà anh phải đối mặt, nếu muốn trở về cống hiến cho Những ngôi sao vàng. Bởi cho đến thời điểm hiện tại, Pendant vẫn chưa nhận quốc tịch Việt Nam.

Anh nói: “Tôi hiểu những vấn đề này, đặc biệt là khi tôi không có quốc tịch Việt Nam. Nhưng trước khi nghĩ đến những vấn đề này, tôi phải tiếp tục tập trung vào chuyên môn.”

"Mặc dù vậy, như tôi đã chia sẻ, Việt Nam là một phần trong tôi. Ngày nào đó, nếu ĐT Việt Nam ngỏ lời, chắc chắn tôi sẽ phải cân nhắc cẩn thận. Đó thực sự là một niềm tự hào lớn", anh khẳng định với Goal.

 Thanh Lâm