Marcell Jacobs: Hành trình đi tìm cha và HCV Olympic

Marcell Jacobs đã giành HCV Olympic nội dung 100m một cách bất ngờ. Nhưng đó là giá trị của thể thao khi ai cũng đều có cơ hội để giành chiến thắng.

Trước Olympic Tokyo 2020, Marcell Jacobs gần như là cái tên vô danh. Trong danh sách những gương mặt đáng kỳ vọng mà các trang báo lớn liệt kê ra, hầu như không có tên của anh. Các nhà cái chỉ đặt tỷ lệ chiến thắng của Jacobs là 3%. Trước khi tham dự Olympic 2020, anh chỉ chạy dưới 10 giây đúng 2 lần trong đời (thành tích 9,95 giây và 9,99 giây).

Fred Kerley, người giành huy chương bạc với thành tích 9,84 giây, nói anh phải tự véo vào mình vì bất ngờ. Andre de Grasse, vận động viên về thứ ba, cũng không giấu nổi sự ngạc nhiên. Nhưng hôm qua, Jacobs đã trở thành chủ nhân tấm huy chương vàng Olympic ở nội dung 100m danh giá của điền kinh với thời gian 9,80 giây. Người đoạt huy chương vàng tại kỳ Thế vận hội trước đó là huyền thoại Usain Bolt với thời gian 9,81 giây.

“Tôi có thể nhớ lại mọi cuộc đua của anh ấy vì tôi đã xem hết tất cả. Thật khó tin là ngày hôm nay tôi đang ở đây, nơi anh ấy từng có mặt trước đó”, Jacobs chia sẻ về tiền bối sau khi trở thành nhà vô địch. Song, anh vẫn đủ tỉnh táo để biết còn rất xa nữa để mình vĩ đại như “Tia chớp đen” người Jamaica. “Anh ấy là bộ mặt của thể thao và anh ấy đã thay đổi nó. Tôi vừa đoạt huy chương vàng Olympic, nhưng đây không phải lúc so sánh mình với anh ấy”.

Marcell Jacobs đã xuất sắc giành HCV Olympic nội dung 100m

Lamont Marcell Jacobs Jr. sinh ra tại El Paso, Texas, Mỹ trong một gia đình có bố là người Mỹ và mẹ là người Italia. Nhưng Jacob nhận mình là người Italia, và anh thi đấu cho đoàn thể thao Italia. Chưa đầy 2 tuổi, Jacobs được mẹ mình, bà Viviana Masini, đưa trở về Italia, sống tại Brescia trong khi bố của anh là ông Marcell Jacobs Sr., một quân nhân, tới Hàn Quốc làm nhiệm vụ. Suốt một khoảng thời gian dài, hai cha con không hề gặp nhau.

Jacobs vốn xuất thân từ nhảy xa. Nhưng dù là ở nội dung gì, anh vẫn luôn giữ một mục tiêu cho mình: “Khi còn trẻ, tôi có một ước mơ là vô địch Olympic”, VĐV 26 tuổi chia sẻ. “Tôi đã thua cuộc rất nhiều lần. Tất cả những thất bại đó thực sự là bài học giúp ích cho tôi”.

Với sự giúp đỡ của bác sĩ và HLV về tâm lý Nicoletta Romanazzi, Jacobs vượt qua những khủng hoảng tinh thần khiến anh phiền lòng. “Tôi đã trải qua quãng thời gian khó khăn với những vấn đề trong tư tưởng. Đến một thời điểm đôi chân tôi trở nên nặng như chì. Nhưng suốt 2 năm qua, đặc biệt là trong thời gian đại dịch, tôi đã cải thiện về tinh thần nhờ HLV về tâm lý. Cô ấy thực sự giúp đỡ tôi rất nhiều khiến tôi có thể chạy nhanh như ngày hôm nay”.

Một trong những điều Romanazzi đã nói với Jacobs trong quá trình cải thiện tinh thần chính là anh phải đến gặp cha mình. Vị HLV này nói với VĐV người Italia rằng: “Cậu mang trong mình dòng máu Mỹ và cậu cần nói chuyện với ông ấy về việc đi thi Olympic, điều đó có thể giúp cậu giành chiến thắng”.

Jacobs đã làm theo và tìm cha mình. Hơn một năm trước, họ đã gặp nhau và bắt đầu tạo dựng mối quan hệ. Hôm thứ Bảy vừa qua, ngay trước ngày thi chung kết nội dung 100m, ông Jacobs Sr đã viết thư cho con trai: “Con là Lamon Marcell Jacobs Jr. Con có thể giành huy chương vàng Olympic. Cả nhà luôn bên con và yêu con”.

Trước Olympic 2020, Jacbos gần như là cái tên vô danh

Jacobs cho biết bức thư đó có ý nghĩa vô cùng quan trọng với anh và thực sự trở thành động lực thôi thúc để anh nỗ lực trong từng khoảnh khắc trên đường chạy. Ngày hôm qua, Fred Kerley đã có một khởi đầu ngoạn mục và giữ vị trí dẫn đầu trong suốt nửa chặng đường. Sau đó, Jacbos băng lên ngang bằng Kerley và vượt qua ở nửa sau.

Kerley và De Grasse lần lượt về sau VĐV người Italia. Thành tích của cả ba đều là kỷ lục cá nhân của họ. Với De Grasse, 9,89 là thành tích nhanh nhất của người về đích thứ ba tại đường chạy 100m. Trong khi đó, Jacobs thiết lập kỷ lục châu Âu mới, vượt qua kỷ lục cũ được anh thiết lập 2 tiếng trước đó ở bán kết.

Cách đó vài mét, VĐV Gianmarco Tamberi của Italia và Mutaz Essa Barshim của Qatar đã tạo nên một hình ảnh đẹp khi đồng ý chia sẻ chung tấm huy chương vàng ở nội dung nhảy cao nam. Cả hai cùng đạt thành tích nhảy 2,37m và nhất trí sẽ không thực hiện thêm một phần thi nữa để phân định thắng thua. Khi các trọng tài đồng ý với đề nghị này, cả hai đã ôm chầm lấy nhau.

Jacobs ăn mừng với VĐV nhảy cao Gianmarco Tamberi

Barshim và Tamberi là những người bạn tốt của nhau. Năm 2016, khi Tamberi bị vỡ mắt cá và suýt phải kết thúc sự nghiệp, Barshim đã giúp đỡ đồng nghiệp của mình rất nhiều vượt qua khó khăn. Hình ảnh cả hai VĐV chia sẻ tấm huy chương vàng Olympic cho chúng ta thấy vượt qua cả những ganh đua về thắng thua, giá trị của Olympic là nỗ lực phá vỡ giới hạn bản thân và sẵn sàng tôn vinh lẫn nhau.

Và hình ảnh đó cũng truyền cảm hứng cho Jacobs. “Tôi đã chứng kiến Gimbo (biệt danh của Tamberi) giành chiến thắng nội dung nhảy cao. Tôi nghĩ ‘nếu anh ấy có thể giành huy chương vàng thì mình cũng làm được’”. Sau khi hoàn thành chặng chung kết nội dung 100m, Jacobs đã chạy thẳng tới chỗ Tamberi, sà vào vòng tay anh và hai người ôm lấy nhau. Họ đã vượt qua được giới hạn bản thân bởi trước đó, không nhiều người tin họ sẽ trở thành nhà vô địch.

Một đêm tuyệt vời của điền kinh Italia.

 Lê Thành