Michal Nguyễn: Được và mất ở V-League và nỗi khắc khoải được khoác áo ĐTQG

33 tuổi, Michal Nguyễn đã có tất cả những danh hiệu có thể có ở V-League, sau khi giành cú ăn ba Bình Dương năm 2015. Nhưng khoác áo ĐTQG vẫn là nỗi khắc khoải với cầu thủ sinh ra ở CH Séc.

Mặc dù vậy, ĐTQG lại là nơi đem tới cho anh những kỉ niệm vui vẻ hơn, so với một V-League lành ít dữ nhiều khiến anh mất đi nhiều thứ.

Michal Nguyễn sinh năm 1989, có cha là người Việt và mẹ là người CH Séc. Bằng tài năng và niềm đam mê của mình, Michal Nguyễn sớm được đào tạo bóng đá tại Litvinov vào năm 1995, khi anh mới 6 tuổi. Một năm sau, Michal nằm trong top cầu thủ tài năng (từ U8 - U22) của học viện bóng đá Teplice.

Đến năm 2001, Michal Nguyễn gia nhập đội U13 Banik Most. Tại đây, anh cùng với các đồng đội của mình giúp CLB giành giải ba tại giải U14 Championship của CH Séc, còn bản thân ẵm danh hiệu cầu thủ có nhiều kiến tạo nhất giải.

Thời tới cản không kịp, Michal khoác áo U19 Banik Most khi mới bước sang tuổi 15. Năm 2007, Michal Nguyễn được đeo băng đội trưởng và cùng đội bóng này đoạt chức vô địch U19 CH Séc.

Hai năm sau, anh chính thức bước chân vào giải đấu chuyên nghiệp, khi kí hợp đồng với đội một Banik Most. Tại đội bóng này, Michal Nguyễn mang áo số 19, có thể chơi tốt ở vị trí trung vệ, hậu vệ phải cũng như tiền vệ trung tâm.

Nhưng phải đến năm 2012, bước ngoặt trong sự nghiệp cầu thủ này mới thực sự đến.

Giữa năm 2012, trong khoảng thời gian sang CH Séc và một số nước châu Âu để học hỏi kinh nghiệm, HLV Mai Đức Chung, đồng thời cũng là một thành viên của Hội đồng HLV QG đã trực tiếp xem Michal Nguyễn thi đấu và đánh giá khá cao khả năng của cầu thủ này. “Michal Nguyễn sở hữu tố chất lý tưởng so với cầu thủ Việt Nam. Cậu ấy cao, người rất dày (cao 1m86, nặng 80kg), va chạm cực tốt” – ông Mai Đức Chung nhận xét.

Sau đó, ông Chung cũng đã có những tiếp xúc, trao đổi sơ bộ với Michal và bố cầu thủ này về việc để anh thử sức ở ĐTQG. Ngày 23/1/2013, cầu thủ sinh năm 1989 đã có mặt ở Việt Nam để chuẩn bị cho 2 trận đấu thuộc vòng loại Asian Cup 2015.

Dù về nước khi đã 21h đêm và bị lệch múi giờ, cầu thủ Việt kiều này đã xỏ giày ra sân ngay sáng hôm sau và nhận được nhiều lời khen từ các đồng đội và ban huấn luyện. “Michal Nguyễn có thể hình tốt, lại kỹ thuật,” HLV Hoàng Văn Phúc cho hay.

Buổi tập vừa kết thúc, Michal choáng váng khi một rừng phóng viên với nào là máy ảnh, máy quay, micro hướng về phía mình. Chưa bao giờ bị báo giới săn đón, Michal chỉ biết chôn chân đứng nhìn. Rất may cho Michal, lần thử việc này còn có sự góp mặt của Mạc Hồng Quân, người anh đã quen từ những buổi đá phủi ở Séc. Khác với Michal, Quân sử dụng tiếng Việt thành thạo và sẵn sàng phiên dịch các câu hỏi của giới truyền thông cho Michal.

Mặc dù vậy, chính việc chưa nói được tiếng Việt khiến trung vệ này có những thời điểm trở nên lạc lõng ở hàng phòng ngự tuyển quốc gia. Trong những pha dâng cao hay bọc lót cho đồng đội, Michal Nguyễn tỏ ra khá bị động. Anh cũng không thể gọi những cầu thủ hai cánh lui về hỗ trợ hàng phòng ngự, hay tỏ ra khó hiểu trước những nhắc nhở của thủ môn.

Ở trong trận gặp UAE, chính sự phối hợp không tốt giữa Michal Nguyễn và Gia Từ đã dẫn đến tình huống phạm lỗi trong vòng cấm, biếu cho đối phương một quả 11m.

Từng chơi bóng ở ĐTVN nhưng không được các CLB V-League đoái hoài, Michal Nguyễn đã trở lại CH Séc để thi đấu cho đội bóng chủ quản Banik Ostrava. Tại đây, Michal Nguyễn đã đạt phong độ tốt nhất, khi chiếm suất đá chính ở hàng phòng ngự đội bóng đang chơi ở giải VĐQG CH Séc, đồng thời đóng góp 1 bàn sau 11 trận đã đấu.

Thông tin này đã đến tai ông Cao Văn Chóng, giám đốc của Becamex Bình Dương. Ngày 21/10/2015, 22 tháng sau lần đầu tiên đến Việt Nam chơi bóng, Michal Nguyễn được Bình Dương đồng ý thử việc. “Tôi đã được xem video cậu ấy chơi bóng. Đó là trung vệ có lối chơi thông minh và mạnh mẽ. Qua những gì thể hiện ở Banik Ostrava, cậu ấy hoàn toàn xứng đáng với một cơ hội nữa ở Việt Nam”, ông Chóng nói.

Một tháng sau, Michal chính thức kí hợp đồng với Bình Dương. Nhưng đó chỉ khởi đầu cho những thăng trầm của cầu thủ này với bóng đá Việt.

Michal Nguyễn khoác áo Bình Dương trong ba mùa giải, nhưng không thực sự nổi bật trước dàn sao của đội bóng được mệnh danh là “Chelsea Việt Nam”. Dù giành cú ăn ba cùng đội bóng này năm 2015, anh thường xuyên phải ngồi dự bị và nhìn những đàn anh như Phước Tứ, Đình Luật đá chính.

Năm 2018, anh chuyển sang Thái Lan thi đấu cho đội bóng mới thăng hạng Air Force Central. Đó cũng là lúc anh trở thành cái gai trong mắt người hâm mộ Việt Nam, vì nhận xét nhìn chung trình độ Thai League “cao hơn V-League”, trong một bài phỏng vấn với Thể thao văn hóa.

Việc “quy chụp” bóng đá nước nhà đó gần như đóng sập cơ hội trở lại V-League và góp mặt trên tuyển quốc gia của Michal.

Chuyển sang Selangor (Malaysia) một năm sau, Michal vẫn đau đáu việc trở lại Việt Nam, cũng như thi đấu cho đội tuyển. “Tôi đang tập luyện chăm chỉ tại CLB Selangor. Hi vọng rằng, HLV cũng như người hâm mộ bóng đá Việt Nam sẽ thấy được nỗ lực cũng như khả năng của tôi. Nếu VFF và HLV trưởng Park Hang Seo cần, tôi luôn sẵn sàng thi đấu cho ĐT Việt Nam,” Michal chia sẻ với Thể thao văn hóa.

Nhưng cũng phải đến năm 2020, khi dư âm về buổi phỏng vấn gây tranh cãi dần lắng xuống, Michal mới quyết định hồi hương lần nữa. Hải Phòng là đội bóng đã giang tay đón anh lần này. Nằm cách Hà Nội 100km và là thành phố cảng biển, Hải Phòng là mảnh đất cởi mở, chấp nhận những sự khác biệt. Trước Michal, Đặng Văn Robert, Đặng Văn Lâm và Adriano Schmidt đều cảm thấy thoải mái với cuộc sống tại đây.

Tuy nhiên, khi nhìn lại sau này, đây vẫn là quyết định sai lầm nhất trong sự nghiệp của Michal Nguyễn.

Trước Tết cổ truyền Quý Tỵ 2014, sau khi cùng ĐT Việt Nam thi đấu tại vòng loại Asian Cup 2015, Michal Nguyễn được họ hàng ở Nghệ An đón về ăn tết. Theo kế hoạch ban đầu, trung vệ sinh năm 1989 này sẽ đến thử việc ở một số đội bóng V.League.

Tuy nhiên, niềm vui được lần đầu tiên tận hưởng không khí tết của Michal nhanh chóng biến mất, để nhường chỗ cho cảm giác ngỡ ngàng trước những thông báo hủy thử việc của các CLB.

Vì đã lỡ đặt vé máy bay trở lại CH Séc vào cuối tháng 2, nên Michal đành phải đến tập nhờ tại SHB Đà Nẵng hôm mùng 4 tết (qua sự giới thiệu của tiền vệ Quốc Anh) để giữ thể lực cho cuộc cạnh tranh vị trí sắp phải tham dự ở Banik Most.

Trong những ngày cuối cùng ở Việt Nam, Michal cố gắng tìm hiểu nguyên nhân khiến các CLB mới đây còn rất hào hứng nhắc đến chuyện chiêu mộ mình, nhưng rồi rủ nhau rút lui đồng loạt. Nguyên nhân hóa ra chính là tính... thật thà của Michal.

Lúc ĐTVN còn tập trung đợt một năm 2013, là cầu thủ Việt kiều nên Michal thu hút sự tò mò của chính các đồng đội. Họ hỏi anh về đủ mọi thứ ở nền bóng đá CH Séc, cũng như tỏ ra quan tâm đến mức lương của cầu thủ, nhằm so sánh với V.League. Trước câu hỏi: “Lương của cậu được bao nhiêu?”, Michal thật thà đáp: “Mỗi tháng, tính tổng thu nhập tại CLB thì tớ được trên dưới 500 USD”.

Mức lương chỉ khoảng 10 triệu đồng của Michal khiến các tuyển thủ đang thi đấu trong nước khá bất ngờ. Bởi ở Việt Nam ngày đó, ngay cả các CLB hạng nhất cũng trả cho cầu thủ có trình độ trung bình của mình số tiền tương tự. Trong khi đó, nếu thi đấu tại V.League thì tiền lương mỗi tháng ít nhất cũng được 15 triệu đồng.

Câu chuyện về lương cầu thủ ở CH Séc theo các tuyển thủ về tới tận CLB và nhanh chóng đến tai lãnh đạo. Thế là rất nhiều CLB cùng nảy ra suy nghĩ: Cậu ta đã kiếm cơm bao năm qua với số tiền nhỏ ấy thì tội gì chúng ta phải trả mức lương cao ngất ngưởng? Hay là tại trình độ của cậu ta quá thấp? Thế là tất cả cùng nhau trì hoãn ngày Michal đến thử việc.

7 năm sau, Michal tiếp tục có thêm một bài học to lớn nữa ở dải đất hình chữ S.

Cựu hậu vệ của Banik Most ký hợp đồng với Hải Phòng hôm 1/12/2019. Từ hôm đó đến hạn đăng kí cầu thủ thi đấu V-League còn khoảng gần 3 tháng (23/2/2020). Thế nhưng, ngày 3/2/2020, Michal dính một chấn thương gân khoeo. Sau khi chụp X-quang, các bác sĩ thấy cơ gân khoeo của Michal có một vết rách dài 6 cm và sẽ phải nghỉ ít nhất một tháng.

Thế nhưng, chủ tịch CLB Phạm Mạnh Hùng ra lệnh rằng nếu sau 3 ngày mà Michal vẫn không thể tập lại, anh nên rời khỏi CLB. 4 ngày sau, vợ Michal sinh em bé, nhưng ngay ở thời điểm cầu thủ này đang chờ vợ chuyển dạ, ông Lê Xuân Hải, GĐĐH đội bóng gọi cho Michal và yêu cầu anh phải trở lại tập luyện ngay. Michal tiếp tục nói không và bộ đôi này muốn anh chấm dứt hợp đồng với đội bóng.

Vấn đề nằm ở chỗ Hải Phòng không muốn bỏ ra bất kỳ khoản tiền nào để bồi thường cho việc phá vỡ hợp đồng. Nhưng khác với trường hợp trước đó Errol Stevens năm 2018, người đã kiện Hải Phòng lên FIFA vì vi phạm hợp đồng và đã thắng kiện, Michal là cầu thủ Việt nam và FIFA không thể thụ lí việc này.

“Tôi không bỏ lỡ trận đấu nào của tuyển Việt Nam. Điều tôi thích nhất là các cầu thủ thi đấu có kỷ luật, luôn di chuyển theo một khối thống nhất. Hàng thủ của đội tuyển rất chắc chắn, còn hàng công không có cơ hội thì thôi, nhưng khi đã có thì hiếm khi bỏ lỡ,” anh nhận xét về đội tuyển trong buổi phỏng vấn với Zing trước trận đấu giữa ĐTVN và Malaysia tại vòng loại World Cup.

Chịu nhiều khổ sở khi ở Việt Nam, nhưng chưa khi nào Michal Nguyễn quên đi quốc tịch của mình, cũng như thôi ủng hộ đội tuyển nước nhà. Đó là điều đáng trân quý, và là tấm gương sáng để các cầu thủ gốc Việt có thể nhìn vào khi muốn cống hiến cho dải đất hình chữ S.

 On Football