Phong độ trái ngược của Văn Toàn: Tại thầy Park hay tại thầy ‘Sak’?

Văn Toàn đã ghi bàn thắng san bằng tỉ số 1-1 trong trận đấu giữa HAGL và Jeonbuk, chấm dứt cơn “khát bàn” đã kéo dài gần 1 năm qua với tiền đạo của ĐTVN.

Sau trận đấu giữa HAGL và Jeonbuk, trang thống kê SofaScore chấm Văn Toàn hơn 7 điểm khi chứng kiến màn trình diễn ấn tượng của cầu thủ này, còn trận lượt đấu trước đó là 6.9. Những số điểm cao đã thể hiện được đẳng cấp và vai trò của Văn Toàn trong trận đấu trước CLB đã 5 lần liên tiếp vô địch K-Leauge.

Anh chơi cực kỳ xông xáo, có những pha đi bóng loắt léo đầy biến ảo khiến hàng phòng ngự đối phương hỗn loạn. Còn nhớ, tiền đạo của HAGL cũng chơi xuất sắc trước Jeonbuk ở lượt đi và ẵm luôn danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu. 

Ở 2 cuộc đối đầu với Sydney và Yokohama, Văn Toàn trở thành điểm sáng hiếm hoi trên mặt trận tấn công. Sau khi kết thúc mỗi trận đấu, cả 2 vị HLV của 2 đội bóng này đều dành lời khen cho ngôi sao bên phía đội chủ nhà. Thậm chí, HLV Jeonbuk đề cao sự đột biến mà Văn Toàn mang lại và cho rằng anh đủ trình độ chơi bóng tại giải VĐQG Hàn Quốc.

Năm ngoái, Văn Toàn cũng có hiệu suất ghi bàn ấn tượng với 7 lần sút tung lưới đối phương sau 12 trận tại giải quốc nội. Nếu như V.League không bị hủy, nhiều khả năng danh hiệu vua phá lưới cũng không thoát khỏi tay anh. Nhìn rộng ra, chân sút quê Hải Dương sở hữu 30 bàn thắng cho HAGL trong 3.5 mùa nhưng lại mất hút trên ĐTQG.

Nếu so sánh 2 phiên bản Văn Toàn ở ĐTQG và CLB thì thật khác biệt. Tại ĐTVN, Văn Toàn đang có chuỗi 5 năm chưa ghi bàn dù vẫn được gọi tập trung đều đặn. Tuy nhiên anh chưa bao giờ được thầy Park trao niềm tin lớn khi chỉ được vào sân chủ yếu từ băng ghế dự bị. 

Cũng nên thấy, một phần do yêu cầu chiến thuật và vận hành lối chơi của HAGL và ĐTVN tương đối khác nhau. Trong khi HAGL của thầy “Sak” thường chơi bóng ngắn, kỹ thuật, khuyến khích các pha qua người thì ĐTVN lại chơi phòng ngự phản công, kỷ luật và chặt chẽ với nhiều đường chuyền cự ly dài và trung bình.

Tại HAGL Văn Toàn thường được đá cao nhất trên hàng công, sử dụng tốc độ trong quãng ngắn và thoải mái được phô diễn kỹ thuật cá nhân. Đội bóng phố Núi cũng có lối chơi trực diện khi tấn công trung lộ khá nhiều giúp Văn Toàn có cơ hội sử dụng tốc độ xộc thẳng vào vòng cấm tiếp cận khung thành đối phương.

Trong khi tại ĐTVN nếu được vào sân, Văn Toàn thường được xếp đá tiền đạo cánh, khoảng cách đến khung thành rất xa khiến cơ hội có bàn thắng giảm đi đáng kể. Chưa kể thầy Park cũng thích sử dụng các tiền đạo mũi nhọn là những người có thể hình tốt, có thể làm tường và hoạt động độc lập như Anh Đức, Ngân Văn Đại hoặc Tiến Linh. 

Chính vì vậy mà Văn Toàn không được thầy Park trọng dụng tại ĐTVN. Tuy nhiên tiền đạo Hải Dương vẫn là một trong những cầu thủ được HLV Park Hang Seo yêu thích, bằng chứng là dù không ghi bàn nhưng anh vẫn được thường xuyên triệu tập và ra sân trong những trận mà ĐTVN thi đấu bế tắc.

Cần nhìn vào thực tế, ngôi sao 26 tuổi đang là cầu thủ có tốc độ tốt nhất của bóng đá Việt Nam hiện tại. Văn Toàn luôn tạo ra sự khác biệt và đột biến rất cao với những pha xử lý bóng nhanh, loắt léo từ trung tuyến xộc thẳng vào hàng phòng ngự đối phương. Tuy nhiên những pha bóng này khi không thành công sẽ đem lại sự thiếu an toàn nếu để đối phương cướp được bóng.

Từ những phân tích ở trên, chúng ta có thể thấy rõ sự trái ngược của Văn Toàn ở HAGL và ĐT Việt Nam. Không phải HLV Park Hang Seo không nhìn ra những điểm mạnh của Văn Toàn, mà đơn giản vị chiến lược gia người Hàn Quốc ưu tiên lối chơi chung của toàn đội lên hàng đầu.

Nhưng một phần nào đó, thầy Park cũng nên xem lại cách sử dụng Văn Toàn trong tương lai, nên biết rằng những ông lớn tại  AFC Champions League đều e sợ chân sút của HAGL. Thật đáng tiếc nếu như không thể phát huy hết khả năng mà ngôi sao này mang lại cho ĐTQG.