Quang Hải có thể là 'Hidetoshi Nakata của Việt Nam'

Cho đến thời điểm này, bến đỗ cụ thể của Quang Hải sau khi chia tay Hà Nội FC vẫn còn là một bí mật.

Việc ngôi sao sinh năm 1997 quyết định từ chối gia hạn hợp đồng với đội bóng Thủ đô để ra đi tìm thử thách mới vẫn là một chủ đề gây tranh cãi trong cộng đồng những người hâm mộ. Nhưng nếu nhìn ở một góc độ rộng hơn, chuyện “đi - ở” của Quang Hải không chỉ là việc cá nhân của một cá nhân mà có thể tác động đến cả một nền bóng đá, như những hiệu ứng mà ngôi sao Hidetoshi Nakata của Nhật Bản đã làm được khi chuyển sang Serie A chơi cho Perugia vào năm 1998.

Vụ chuyển nhượng Nakata đến Perugia là một bước ngoặt với bóng đá Nhật Bản

Hoàn cảnh của bóng đá Nhật Bản vào những năm đó có những điểm tương đồng với bóng đá Việt Nam vào thời điểm hiện tại. Hidetoshi Nakata không phải là cầu thủ Nhật Bản đầu tiên xuất ngoại để chơi bóng. Đó là vinh dự thuộc về Kazuyoshi Miura, người cho đến thời điểm này vẫn còn chơi bóng ở tuổi 55. Miura từng thi đấu cho một vài đội bóng ở Brazil trước khi ký hợp đồng với Genoa vào năm 1994, 4 năm trước khi đàn em Nakata đến Perugia.

Nhưng ở vào thời điểm năm 1998, vụ chuyển nhượng trị giá 4 triệu USD của Nakata đến Perugia vẫn gây chấn động như một vụ nổ Big Bang với bóng đá Nhật Bản. Môn thể thao vua ở xứ sở mặt trời mọc đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ với sự vươn lên rất nhanh trong một khoảng thời gian ngắn. Tại Atalanta 1996, “Những chiến binh Samurai xanh” bắt đầu được chú ý chiến thắng gây sốc trước Olympic Brazil. Thật không may, Olympic Nhật Bản vẫn bị loại ngay từ vòng bảng dù đã thắng 2/3 trận.

Nakata đã gây ấn tượng trong màu áo Nhật Bản ở World Cup 1998

Tiếp sau đó, ĐT Nhật Bản vượt qua vòng loại World Cup 1998 để có mặt tại mùa hè nước Pháp, lần đầu tiên họ xuất hiện tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Tình yêu bóng đá tràn ngập xứ sở hoa anh đào và Hidetoshi Nakata nổi lên như một thần tượng số 1 của các CĐV. Anh là một thành viên không thể thiếu của Nhật Bản tại Olympic 1996 và tiếp tục là ngôi sao sáng nhất trong thành phần “Samurai xanh” dưới sự dẫn dắt của HLV Takeshi Okada vượt qua hành trình vòng loại World Cup đầy khó khăn. Tiền vệ 20 tuổi đã có 11 lần ra sân ở vòng loại, ghi 5 bàn và lập một hat-trick kiến tạo trong chiến thắng quan trọng nhất 3-2 trước đối thủ cạnh tranh trực tiếp Iran Iran.

Ngôi sao trẻ người Nhật Bản đã chứng tỏ anh là cầu thủ châu Á triển vọng nhất trong thế hệ của mình. Nếu không có những đóng góp của Nakata trong hành trình tìm tấm vé đầu tiên đến World Cup của Nhật Bản thì có lẽ nền bóng đá ở quốc gia này không bao giờ đạt đến trình độ như ngày nay. “Samurai xanh” đã thua cả 3 trận vòng bảng năm 1998, nhưng những hạt giống quan trọng đã được thế hệ của Nakata gieo xuống cho nền bóng đá ở quốc gia mà người dân vốn ưa chuộng bóng chày hơn.

Mặc dù Nhật Bản không thể tiến xa hơn vòng bảng ở kỳ World Cup đầu tiên, nhưng màn thể hiện cá nhân của Nakata trên đất Pháp đủ để thu hút sự chú ý của các câu lạc bộ châu Âu khác nhau. Ngay sau giải đấu, anh chuyển từ Bellmar Hiratsuka sang Perugia tại Serie A. Màn trình diễn của ngôi sao này tại Serie A những năm sau đó đã định hình lại cách nhìn nhận của người Nhật Bản về bóng đá, cũng như thái độ của thế giới đối với các đội bóng và cầu thủ đến từ châu Á.

Tiền vệ người Nhật Bản là biểu tượng của một nền bóng đá có những bước phát triển vượt bậc

Vào thời điểm vụ chuyển nhượng xảy ra, Nakata là tuyển thủ Nhật Bản duy nhất thi đấu ngoài J.League. Tại Italia, khoản chi 4 triệu USD của Perugia cho một “gã da vàng” nhận được sự phản ứng dữ dội từ giới truyền thông cùng sự nghi ngờ của chính các CĐV đội bóng. Nhưng những gì mà Nakata làm được trên sân cỏ đã xóa tan mọi nghi ngờ. Anh ghi 10 bàn thắng trong mùa giải ra mắt ở Seria. Thành tích ấy giúp Nataka giành được danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất” năm thứ hai liên tiếp của AFC và thậm chí còn được lọt vào danh sách rút gọn cho các giải thưởng “Cầu thủ xuất sắc nhất năm” của FIFA và Quả bóng vàng.

Nakata ở Perugia một mùa giải rưỡi và đến tháng 1/2000, anh chuyển đến AS Roma với mức phí 21,6 triệu euro và trở thành cầu thủ đắt giá nhất Nhật Bản. Nhiều người cho rằng trình độ của Nakata không xứng với khoản tiền chuyển nhượng đó, nhưng với những giá trị ngoài sân cỏ mà cầu thủ Nhật Bản mang đến, đó vẫn là một món hời với đội chủ sân Olimpico

Nakata có 15 trận đá chính cho Giallorossi trong mùa giải đó và thường được HLV Fabio Capello sử dụng như một dự bị. “Thành thật mà nói, anh ấy khá quan trọng theo quan điểm của tôi”, nhà báo John Solano của RomaPress kể lại, “Capello không có nhiều lựa chọn đẳng cấp trên ghế dự bị mà bạn mong đợi ở một đội bóng cạnh tranh danh hiệu Scudetto. Nakata là một trong số ít những cái tên mà ông ấy có thể tin tưởng khi đội bóng cần sự thay đổi!”.

Tiền vệ người Nhật Bản đã ghi 3 bàn thắng giúp AS Roma nâng cao chiếc cúp vô địch Serie A mùa đó, trong đó quan trọng nhất là bàn thắng vào lưới Juventus ngay trên sân khách. “Bà đầm già” đã vươn lên dẫn trước hai bàn nhờ các pha lập công của Alessandro del Piero và Zinedine Zidane. AS Roma đã đứng trước nguy cơ thất bại cho đến khi Nakata nhận bóng ở giữa sân và tung ra một cú sút xa 30 mét tung lưới Van der Sar. Khi trận đấu chỉ còn chưa đầy 5 phút nữa, Nakata lại tung một cú sút xa hiểm hóc khác, Van Der Sar cản phá thành công nhưng Montella đã ập vào rất nhanh đá bồi. Kết quả hòa 2-2 giúp AS Roma có dẫn đầu bảng với 6 điểm cách biệt đối thủ và chiếm thế thượng phong trong cuộc đua đến ngôi vô địch.

Nakata trở thành cầu thủ Nhật Bản đầu tiên vô địch Serie A trong màu áo AS Roma

Không chỉ là người Nhật Bản đầu tiên vô địch Serie A, ngoài sân cỏ, Nakata cũng là một cầu thủ đi tiên phong trong việc khai thác thương hiệu cá nhân. Sự phát triển vượt bậc Internet đầu những năm 2000 đã mở ra nhiều con đường mới cho các thần tượng thể thao và Nakata là một trong những người đầu tiên tận dụng hết tiềm năng của nền tảng này.

Ở đỉnh cao sự nghiệp, Nakata luôn từ chối những cuộc phỏng vấn báo chí hoặc nếu phải tham gia, lượng thông tin mà ngôi sao người Nhật chia sẻ cũng cực kỳ hạn chế. Thay vào đó, anh sẽ cập nhật thông tin cho người hâm mộ qua trang web cá nhân của mình. Kết quả là, Nakata.net thu hút hàng triệu lượt truy cập mỗi tuần khi khán giả Nhật Bản luôn khát khao những thông tin mới nhất về thần tượng của mình. Ở xứ sở mặt trời mọc, Nakata đã trở thành một biểu tượng về quảng cáo và thời trang thời điểm ấy.

Những câu chuyện nói trên cho thấy vụ chuyển nhượng của Nakata rõ ràng không chỉ là việc một cầu thủ Nhật Bản xuất ngoại chơi bóng mà nó còn mang một ý nghĩa lớn hơn thế rất nhiều. Nakata là một “ngọn cờ tiên phong” đã mở đường cho sự phát triển của bóng đá Nhật Bản sau này. “Samurai xanh” giờ đây là một thế lực thực sự của bóng đá châu Á, xếp thứ 23 trên BXH FIFA hiện tại và có hàng chục cầu thủ chơi bóng tại các giải VĐQG hàng đầu châu Âu. Tất cả sẽ không tồn tại nếu như không có thành công của Nakata.

Những cầu thủ thế hệ sau như Takumi Minamino đang đi trên con đường mà Nakata là người khai phá

Nhìn về bóng đá Việt Nam ở thời điểm hiện tại có thể nhận thấy những điểm tương đồng với bóng đá Nhật Bản năm 1998 về “vận hội”, tất nhiên ở một mức độ thấp hơn. Từ khi HLV Park Hang-seo đến, bóng đá Việt Nam cũng đã có những bước phát triển mạnh mẽ chưa từng có để tiệm cận với trình độ khu vực, từ ngôi á quân U23 châu Á đến việc lọt vào đến vòng loại cuối cùng World Cup 2022. Đó là những bước tiến lớn và giống như Nhật Bản năm 1998 cần một cú hích mang tên Nakata, bóng đá Việt Nam cũng cần một “ngọn cờ tiên phong” để mở đường tăng tốc trên hành trình vươn tầm.

Trước Quang Hải, những cái tên như Công Phượng hay Đoàn Văn Hậu đã được kỳ vọng rất nhiều khi chuyển sang châu Âu thi đấu. Thế nhưng cả hai đều đã không thể hiện được nhiều trong thời gian chơi bóng ở Bỉ và Hà Lan. Công Phượng và Văn Hậu đã không gặp may mắn, hay nói một cách khác, họ không được số phận chọn để trở thành “ngọn cờ tiên phong” cho bóng đá Việt Nam.

Quang Hải được kỳ vọng sẽ mở ra một con đường mới của bóng đá Việt Nam như Nakata đã làm với Nhật Bản

Quang Hải sẽ là ngôi sao tiếp theo nhận sự kỳ vọng có thể mang đến “hiệu ứng Nakata” cho nền bóng đá nước nhà. Giống như Nakata, Quang Hải là một tiền vệ đầy sáng tạo cùng khả năng bùng nổ trong bất cứ trận đấu nào. Anh cũng đang là ngôi sao số 1 trong lòng các CĐV Việt Nam, như vị thế của Nakata đối với khán giả Nhật Bản năm 1998. Có thể, đó sẽ là những yếu tố giúp Quang Hải có được bước chạy đà đầu tiên thuận lợi hơn so với những người đồng đội từng sang châu Âu trước mình. Nếu Hải “con” gặt hái được những thành công trong chuyến xuất ngoại của mình, theo sau đó chắc chắn sẽ là một cú chuyển mình mạnh mẽ của bóng đá Việt Nam.