Solsa! MU cần hành động chứ không cần lời nói

1-4, một tỷ số đáng hổ thẹn và nó là thất bại thảm hại nhất của MU trong suốt những thất bại gần đây. Và tất nhiên, người duy nhất để nói đến chỉ là một cá nhân duy nhất: Solskjaer.

Solsa liệu còn xứng đáng dẫn dắt MU?

Khi MU kết thúc hiệp 1 với 2 bàn thua trước chủ nhà Watford, rất nhiều ủng hộ viên ở Việt Nam của họ đã đặt ra câu hỏi “Ai sẽ cứu thầy?”. Và khi Dony van de Beek được tung vào sân thay McTominay, chính anh là người duy nhất ghi được bàn thắng cho MU. Bàn gỡ 1-2 tưởng như đã thắp lên hi vọng lội ngược dòng cho bầy quỷ đỏ nhưng chiếc thẻ đỏ của Maguire đã đặt dấu chấm hết. Tan nát.

Hãy không nói đến cái thua của MU nữa, mà thay vào đó, chúng ta nói về cách dùng người, thay người của Solsa ở hai trường hợp cụ thể: Van de Beek và Lingard. Đó cũng là hai cầu thủ ít có cơ hội nhất trong màu áo MU kể từ khi Solsa đến cầm quân.

Bàn thắng của Van de Beek là bàn đầu tiên của anh ở Premier League mùa này. Gia nhập MU từ tháng 08/2020, cầu thủ đến từ Ajax này mới chỉ có 2 bàn thắng ở Premier League sau 15 tháng. Con số ít ỏi đó đến từ một ít ỏi khác. Đó là anh ít được ra sân. Van de Beek chỉ mới ra sân 22 lần ở Premier League mà thôi và đa phần, anh vào chơi từ băng ghế dự bị. Sự ít ỏi về cơ hội ra sân này đến từ một ít ỏi khác nữa. Ít ỏi niềm tin từ một HLV trưởng và ít ỏi cả sự đáng tin cậy từ chính những lời HLV trưởng ấy nói.

“Ủng hộ viên có thể nhìn thấy một cầu thủ chuyên nghiệp hàng đầu và có chất lượng rất tốt. Dony (van de Beek) chưa bao giờ để chính mình, gia đình mình và đội bóng của mình thất vọng về thái độ của cậu ấy. Cách cậu ấy tiếp cận các trận đấu và các buổi tập là cực kỳ chuẩn mực. Tôi không thể chê trách gì cậu ấy và cậu ấy biết điều đó”. Solsa đã phát biểu như vậy về Dony trong buổi họp báo trước trận gặp Watford. Và phát biểu này nằm trong một ngữ cảnh liên quan đến chấn thương của Pogba khiến Pogba vắng mặt. Nhưng kết luận, hành động của Solsa là gì? Đưa Van de Beek lên ghế dự bị.

Và khi mà Sissoko một mình cân hết cả hàng tiền vệ của MU trong cuộc chiến giữa sân, chính việc đưa Van de Beek vào đã giúp MU lấy lại được chút cân bằng ở hiệp 2. Và Van de Beek đá ở vị trí nào? Anh đá tiền vệ trụ trong hệ thống 2 trụ bên cạnh Matic. Anh đá tốt hơn hẳn McTominay và tất cả những gì mà Fred đã trình diễn ở những trận mà cầu thủ Brazil được đá chính.

Xuất thân từ lò Ajax, một lò nổi tiếng về việc đào tạo cầu thủ có thể chơi đa dạng các vị trí ngay từ khi từ lớp năng khiếu, Dony van de Beek có thể đá được tốt ở cả 3 vị trí tiền vệ trung tâm là số 6, số 8 và số 10. Vâng, một cầu thủ chơi tốt cả 3 vị trí như thế lại mài mòn đũng quần trên băng ghế dự bị suốt 15 tháng khi mà hàng tiền vệ của MU, đặc biệt là ở hai vị trí tiền vệ trụ trong sơ đồ quen thuộc 4-2-3-1, đã và vẫn luôn là vấn đề được mổ xẻ bởi giới chuyên môn về sự thua kém trước các đối thủ khác ở cả Premier League lẫn Champions League.

Dony van de Beek sẽ nghĩ gì về những lời ca ngợi mà Solsa nói về mình? Chắc chắn anh ta sẽ không bao giờ tin chúng. Đơn giản, nếu đó là những ngợi khen chân thành, nó phải kéo theo chuyện Van de Beek phải được ra sân. Không có lý gì mà 1 cầu thủ “tiếp cận các trận đấu và các buổi tập đầy chuẩn mực” và “có chất lượng chuyên môn tốt” lại không được đá chính. Và không phải vô cớ mà khách quan đã nhận xét rằng việc sang MU của van de Beek là một quyết định sai lầm.

Màn trình diễn của MU thật rất đỗi thất vọng

Còn Lingard, sau khi có 1 mùa cực hay ở West Ham theo diện cho mượn, anh ta cũng được hứa hẹn sẽ có cơ hội ở MU. Nhưng trở về MU, anh ta được gì? Ra sân 5 trận, và cũng đa số là từ băng ghế dự bị bất chấp anh đã có 2 bàn thắng ở Premier League kể từ đầu mùa tới giờ.

Lingard tại sao không được đưa vào sân ngày từ đầu hiệp 2 như van de Beek, khi mà Jadon Sancho đã có 1 hiệp 1 không hề nổi bật và gần như không có một kết nối nào với các đối tác tấn công khác? Câu hỏi này quá khó trả lời và mọi thứ còn khó hiểu hơn nữa khi Solsa quyết định tung Lingard vào sân. Khi MU đang bị dẫn bàn, và rất cần bàn gỡ, thứ họ mong mỏi nhất là gì? Là trận đấu liền mạch và được đẩy cao tốc độ mỗi khi MU có bóng. Nhưng Solsa lại tiến hành đưa Lingard vào sân thay Sancho ở phút 90+1. Đó thường là lúc mà một HLV lựa chọn thay người khi đang thắng trận để câu giờ. Quả thực, quyết định thay người này của Solsa là quá dị hợm. Với vài phút còn lại của thời gian bù giờ, Lingard thực tế còn chưa kịp nóng máy chứ đừng nói đến chuyện ghi bàn.

Solsa luôn có những phát biểu rất dễ thương về các học trò nhưng hành động của ông thì không hề. Chính điều đó mới tạo nên một mối đe doạ lớn với MU là cầu thủ có thể trở nên bất mãn, và do đó, có phản ứng tiêu cực mỗi khi được ra sân. Và nhìn trận thua Watford vửa rồi, khó có thể nói cầu thủ MU đã có một thái độ tích cực. Từ cú phá bóng rất “trời ơi đất hỡi” của Fernandes ở đầu hiệp 1 để dẫn tới pha phạt đền cho tới pha phạm lỗi dẫn tới thẻ đỏ của Maguire, dường như sự chán nản đã hiện hình. Mà khi người ta chán nản với cả sự dễ thương, điều đó chắc chắn là thảm hoạ.

Và ngay cả việc Solsa nói mà không thể làm theo lời mình nói, bản thân nó cũng đã là thảm hoạ rồi. Vấn đề chỉ là thảm hoạ ấy sẽ ở lại MU bao lâu mà thôi.

Hà Quang Minh

 On Football
Từ khóa: