Chiếc băng đội trưởng U23 Việt Nam và cách làm tâm lý tuyệt vời của thầy Park

Khi báo giới công bố cái tên sẽ đeo băng thủ quân của U23 Việt Nam trong hành trình bảo vệ tấm Huy chương vàng tại SEA Games 31, rất nhiều người đã cảm thấy thật sự bất ngờ

Cái tên được chọn là Lý Công Hoàng Anh, cầu thủ mà cho đến trước khi được thông báo sẽ là đội trưởng thậm chí còn bị cho là chưa chắc chắn có được suất đá chính khi 2 trong 3 suất quá tuổi thuộc về bộ đôi tiền vệ hàng đầu Việt Nam vào thời điểm này là Nguyễn Hoàng Đức và Đỗ Hùng Dũng. Nhưng thầy Park đã không chọn những trụ cột của ĐTQG được bổ sung cho đội U23 mà tìm chính một cầu thủ U23 để đảm nhiệm vai trò dẫn dắt cả đội. Đây cũng là những gì ông đã làm ở kỳ SEA Games 30 trước đó.

Lý Công Hoàng Anh có thể sẽ là người đeo tấm băng thủ quân của U23 Việt Nam tại SEA Games 31

Tại SEA Games 30 năm 2019, Quang Hải được chọn là thủ quân của đội U22, dù khi đó ông Park cũng lựa chọn hai cầu thủ dày dạn là Hùng Dũng và Trọng Hoàng để bổ sung cho đội hình thi đấu trên đất Philippines. Chỉ đến khi Quang Hải dính chấn thương không thể ra sân, Hùng Dũng mới tiếp quản tấm băng đội trưởng và đưa đội bóng về đích với tấm Huy chương Vàng SEA Games đầu tiên trong lịch sử cho bóng đá nam Việt Nam.

Tuy cùng chọn những cầu thủ thuộc lứa U23 làm đội trưởng ở hai kỳ SEA Games, nhưng so với giải đấu cách đây 3 năm, quyết định của ông Park lần này có thể khiến nhiều người ngỡ ngàng hơn. Quang Hải ở năm 2019 đã là ngôi sao sáng nhất của bóng đá Việt Nam sau một loạt màn trình diễn xuất chúng ở những giải đấu khác nhau. Anh là Quả bóng Vàng năm 2018 và tất nhiên, cũng là nhân tố nổi bật nhất trong đội hình U22 Việt Nam dự SEA Games. Quyết định để Hải “con” giữ băng thủ quân vì thế không tạo ra nhiều bất ngờ.

Quang Hải là người được chọn đeo tấm băng thủ quân của ĐT Việt Nam tại SEA Games 30

Nhưng lần này, việc thầy Park chọn Lý Công Hoàng Anh là quyết định thực sự không có “manh mối” nào trước đó. Chưa tính 3 cầu thủ quá tuổi, trong đó có Hùng Dũng đang là thủ quân ĐT Việt Nam, thì ngay cả trong lứa U23, Hoàng Anh cũng chưa phải là người nổi trội nhất về kinh nghiệm. Thủ môn Nguyễn Văn Toản từng dự SEA Games 30 và đã được bắt chính cho ĐT Việt Nam ở vòng loại thứ 3 World Cup. Bộ đôi trung vệ Bùi Hoàng Việt Anh, Nguyễn Thanh Bình cũng đang “nổi như cồn” sau những màn trình diễn ấn tượng trong màu áo đội tuyển. Dụng Quang Nho từng đeo băng thủ quân U23 Việt Nam tại giải vô địch U23 Đông Nam Á, trong khi Nguyễn Trọng Long từng là đội trưởng U16 Việt Nam lọt đến tứ kết giải châu Á.

Việc Lý Công Hoàng Anh được lựa chọn có thể nói lên nhiều điều về những tính toán của thầy Park. Trước tiên, về chuyên môn, cần khẳng định Lý Công Hoàng Anh đang là một trong những tiền vệ nổi trội nhất trong lứa tuổi của mình tại V.League. Cầu thủ gốc Mường, quê Hòa Bình sở hữu chiều cao khiêm tốn chưa đến 1m70 nhưng điều đó được bù đắp bởi sự chững chạc, nguồn năng lượng dồi dào và kỹ thuật cá nhân rất tốt.

Hoàng Anh chơi tốt ở vị trí tiền vệ phòng ngự và cũng có thể đáp ứng những yêu cầu khác của ban huấn luyện nhờ sự toàn diện trong cả tấn công lẫn phòng ngự. Lối chơi của anh được nhiều người so sánh với đàn anh Hùng Dũng. Tại AFF Cup 2020, Hoàng Anh ban đầu không được lựa chọn nhưng sau khi Hùng Dũng không thể sang Singapore vì trục trặc giấy tờ, anh được chọn bổ sung dự giải đấu. Mặc dù vậy, cầu thủ sinh năm 1999 hầu như không có cơ hội được sử dụng.

Lý Công Hoàng Anh được đánh giá là tiền vệ hàng đầu V.League ở lứa tuổi của mình

Dù thể hiện phong độ xuất sắc trong màu áo các CLB nhưng Hoàng Anh lại chưa có duyên với màu áo đội tuyển. Anh thường được điền tên vào danh sách triệu tập nhưng thường bị loại khi HLV trưởng chốt bản danh sách cuối cùng, hoặc vẫn nằm trong thành phần đội mà không được sử dụng. Ở lần triệu tập gần nhất cho những lượt trận cuối cùng của vòng loại thứ 3 World Cup, Hoàng Anh cũng được thầy Park đưa lên sau khi các tiền vệ Xuân Trường, Hải Huy dương tính với Covid-19.

Trước SEA Games 31, việc thầy Park lựa chọn 2 trong 3 suất quá tuổi là Hoàng Đức và Hũng Dũng khiến cuộc cạnh tranh ở tuyến giữa U23 Việt Nam trở nên khốc liệt. Hai ngôi sao của ĐT Việt Nam được mặc định sẽ có suất đá chính và các cầu thủ còn lại, trong đó có cả Lý Công Hoàng Anh, sẽ phải nỗ lực hết sức để được thầy Park điền tên vào đội hình ra sân. Theo nhận định của giới chuyên môn, Hoàng Anh chỉ có cơ hội ra sân nếu như thầy Park sử dụng đội hình 5-3-2 với 3 tiền vệ ở khu vực giữa sân. Khi đó, cầu thủ sinh năm 1999 có thể được lựa chọn sát cánh cùng Hùng Dũng, Hoàng Đức.

Sự có mặt của Hùng Dũng sẽ làm hạn chế cơ hội ra sân của các đàn em ở lứa U23

Rõ ràng so với vị thế ngôi sao mà Quang Hải có được ở SEA Games 30, Lý Công Hoàng Anh là một trường hợp khác hoàn toàn. Cầu thủ đang thi đấu cho Topenland Bình Định vẫn đang chật vật trong quá trình xây dựng “thương hiệu riêng” trong màu áo các đội tuyển. Hoàng Anh là một cầu thủ tài năng nhưng việc chọn anh làm thủ quân U23 Việt Nam có lẽ là một quyết định gửi gắm nhiều thông điệp của thầy Park hơn là chuyện chuyên môn.

Ở hầu hết các đội bóng tham dự các giải đấu giới hạn lứa tuổi nhưng được quyền bổ sung thêm suất quá tuổi, những cầu thủ quá tuổi thường sẽ đeo băng đội trưởng vì họ có kinh nghiệm dày dạn hơn hẳn những người đàn em. Một ví dụ là tại Olympic Rio 2016, Olympic Brazil giành Huy chương Vàng với đội trưởng là Neymar, 1 trong 3 cầu thủ quá tuổi trong đội hình của HLV Roger Micale. Khi đội bóng Nam Mỹ bảo vệ chức vô địch ở Olympic Tokyo 2020, người đeo băng thủ quân của họ là Daniel Alves, hậu vệ lão tướng sinh năm 1983 và hơn người trẻ nhất đội là tiền vệ Reinier sinh năm 2002 đến 19 tuổi.

Lão tướng Daniel Alves đeo băng thủ quân Olympic Brazil ở Olympic Tokyo 2020

Hầu hết các đội bóng đá nam ở Olympic Tokyo 2020 đều chọn một cầu thủ diện quá tuổi đeo băng thủ quân. Ngoài Olympic Brazil, vài trường hợp nổi bật có thể kể ra là các đội trưởng của Olympic Pháp là André-Pierre Gignac, Olympic Mexio là Guillermo Ochoa, Olympic Nhật Bản là Maya Yoshida và Olympic Đức là Maximilian Arnold. Rõ ràng, việc lựa chọn những cầu thủ lớn tuổi hơn giữ băng thủ quân là cách làm an toàn và… tiện nhất với các HLV.

Nhưng thầy Park đã không làm như vậy ở hai kỳ SEA Games liên tiếp. Thay vì làm cái việc “tiện lợi và dễ dàng” là trao luôn băng thủ quân U23 cho những người giàu kinh nghiệm, mà cụ thể năm nay là đội trưởng ĐT Việt Nam Đỗ Hùng Dũng, ông phải “so bó đũa, chọn cột cờ” để lựa ra một cầu thủ trong lứa U23 giữ trọng trách dẫn dắt toàn đội. Đó là cách làm tâm lý rất hay của vị chiến lược gia người Hàn Quốc. Nó như một lời khẳng định vào niềm tin đặt ở các cầu thủ trẻ khi chính họ mới là nòng cốt trong chiến dịch SEA Games. Các cầu thủ đàn anh được bổ sung đều là những ngôi sao hàng đầu của bóng đá Việt Nam, nhưng trong đội hình U23 Việt Nam, mọi người đều bình đẳng như nhau.

Việc trao băng thủ quân cho một cầu thủ của lứa U23 là một cách làm tâm lý tinh tế của thầy Park

Sẽ không có tranh cãi gì xảy ra nếu như ông Park đưa tấm băng thủ quân cho Hùng Dũng, nhưng hiệu ứng mà quyết định ấy tạo ra không thể bằng việc một cầu thủ U23 nhận lấy vinh dự đó. Mỗi kỳ SEA Games đều là dấu mốc của một lứa cầu thủ trẻ, và việc “người dẫn đầu” đoàn quân trong mỗi trận đấu là một đại diện trong lứa cầu thủ đó có thể thúc đẩy tinh thần chiến đấu của các đồng đội cùng trang lứa, những người chung một khát khao đặt một dấu ấn riêng cho thế hệ của mình.

Những cầu thủ quá tuổi như Hùng Dũng, Hoàng Đức, Tiến Linh sẽ đóng vai trò rất quan trọng, thậm chí then chốt trong hành trình bảo vệ tấm Huy chương vàng ở kỳ SEA Games tới đây. Tuy nhiên, SEA Games 31 vẫn phải là giải đấu của thế hệ Lý Công Hoàng Anh, Bùi Hoàng Việt Anh, Nguyễn Thanh Bình, Lê Văn Xuân... Họ đang khát khao có được một bước ngoặt trong sự nghiệp, từ những tài năng trẻ trở thành những ngôi sao đích thực bằng màn trình diễn tại SEA Games được tổ chức ngay trên sân nhà. Thành công của một lứa cầu thủ có thể mở ra cả một thế hệ vinh quang tiếp theo, và khả năng truyền lửa của tân thủ quân Lý Công Hoàng Anh sẽ vô cùng quan trọng.