Đội tuyển Việt Nam cần trở lại với sự khiêm nhường

Ai cũng biết rằng đức khiêm tốn là một phẩm hạnh đáng quý, nhưng để học được nó không phải là điều đơn giản.

Sự khiêm tốn chỉ hoàn thiện khi nó hội đủ cả hai vế: sự nhún nhường, tôn trọng người khác và tự nhìn ra những khiếm khuyết của mình để sửa chữa, khắc phục. Khi HLV Park Hang-seo khẳng định rằng đội tuyển Việt Nam cần “quay trở lại với sự khiêm nhường ban đầu” để bước vào những hành trình đầy gian nan trong năm 2022, có thể tin rằng nhà cầm quân người Hàn Quốc muốn các học trò của mình phải thực hiện trọn vẹn cả hai vế của sự khiêm tốn.

ĐT Việt Nam cần trở lại với sự khiêm nhường

Trong chia sẻ đầu tiên của năm mới 2022 trên trang chủ của Liên đoàn bóng đá Việt Nam, nhà cầm quân người Hàn Quốc cho rằng đã đến lúc đội tuyển bắt đầu lại từ vạch xuất phát. Thầy Park nói: "Chúng ta phải quay trở lại thời điểm mới bắt đầu vào năm 2018. Chúng ta quay trở lại với sự khởi đầu khiêm nhường, nhưng với những khát vọng và hoài bão lớn lao. Trở lại vị thế ban đầu để cho một khởi đầu mới là bài học tốt nhất cho đội tuyển Việt Nam. Ban huấn luyện, bao gồm cả tôi và tất cả những người có liên quan đến đội tuyển cần phải đổi mới tư duy của mình, với cùng mục tiêu để hướng tới một năm 2022 thành công".

Sự khiêm nhường, đó chính là “key word” quan trọng bậc nhất về thái độ tiếp cận các trận đấu trong năm 2022 của đội tuyển Việt Nam, khởi đầu là chuyến làm khách trên đất Australia ở lượt trận thứ 7 vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á. Tất cả các cầu thủ đều sẽ phải thấm nhuần tư tưởng đó để tự làm mới bản thân mình, loại bỏ tất cả tâm lý chủ quan, hài lòng nếu có về các thành tích đã đạt được để hướng đến những mục tiêu mới bằng thứ khát vọng nguyên sơ đã từng giúp bóng đá Việt Nam đạt được những kỳ tích suốt từ khi thầy Park đặt chân tới Việt Nam.

HLV Park Hang-seo muốn các học trò lấy lại khát vọng và hoài bão

Chính tinh thần cầu tiến cùng khát khao thể hiện mình đến từ từng cá nhân cầu thủ đã giúp cho thầy trò ông Park giành được rất nhiều vinh quang kể từ dấu mốc lịch sử Thường Châu 2018. Với một thế hệ tài năng bậc nhất mà bóng đá Việt Nam từng sản sinh ra, ngôi á quân giải U23 châu Á được xem là điểm bắt đầu cho một hành trình đi lên đầy ấn tượng cả về mặt thành tích, lối chơi lẫn tinh thần.

Các dấu mốc quan trọng trong một giai đoạn rực rỡ nhất từ trước đến nay của bóng đá Việt Nam là chức vô địch AFF Cup 2018, lọt vào Tứ kết Asian Cup 2019, vô địch bóng đá nam SEA Games 2019, vượt qua vòng loại thứ hai World Cup để tiến vào Vòng loại thứ 3 khu vực châu Á. Trên hành trình ấy, các cầu thủ đã có không ít những màn trình diễn xuất sắc, đầy tinh thần quả cảm và đem đến cho người hâm mộ bóng đá Việt Nam những giây phút không thể nào quên.

Việc đạt được những thành công rực rỡ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi đem đến cho rất nhiều người cảm giác rằng bóng đá Việt Nam đã vươn tầm, ít nhất là vượt ra khu vực Đông Nam Á và tiếp cận với trình độ châu lục. Những phát ngôn kiểu như “bóng đá Việt Nam đã ở đẳng cấp thống trị khu vực” hay “đây là thời điểm hợp lý để hướng tới những mục tiêu lớn hơn tầm cỡ châu lục và quốc tế” liên tục xuất hiện cùng những thành tích mà thầy trò ông Park đạt được.

Dĩ nhiên, điều đó khẳng định sự kỳ vọng lớn lao vào đội tuyển, nhưng những đánh giá chính xác thì chỉ được đưa ra dựa trên những điều kiện thực tế. Nếu không thì đó chỉ là sự ảo tưởng và vô tình đặt lên vai thầy Park cùng các học trò của ông những áp lực không đáng có. Bản thân các cầu thủ có lẽ cũng bị ảnh hưởng ít nhiều bởi những đánh giá, nhận xét có phần vượt tầm trình độ thực sự của họ. Sự tiến bộ là có thật, đáng hoan nghênh nhưng việc định danh nó bằng những đại ngôn hoa mỹ thiếu khiêm tốn mà không dựa vào thực tế luôn là con dao hai lưỡi.

Bóng đá Việt Nam cần một sự đánh giá chính xác hơn về vị thế ở thời điểm hiện tại

Những gì đã diễn ra ở chặng đường đã qua tại vòng loại thứ 3 World Cup khu vực châu Á cùng AFF Cup 2020 đã giúp bóng đá Việt Nam và người hâm mộ nước nhà có được cái nhìn chính xác hơn về đẳng cấp và trình độ của đội tuyển vào thời điểm này. 6 lần ra quân tại vòng loại World Cup 2022 là 6 trận toàn thua của “Những chiến binh sao vàng”. Dù có những trận đấu tốt với tinh thần quật khởi, không thể phủ nhận rằng bóng đá Việt Nam vẫn còn một khoảng cách nhất định với các đội bóng hàng đầu châu lục.

Thầy Park cũng đã phải cảm thán rằng “chưa bao giờ tôi thấy kiếm điểm lại khó khăn đến thế”. Những trận thua trước các đội bóng như Australia, Nhật Bản hay Ả Rập Xê Út cho thấy dù đang sở hữu một thế hệ cầu thủ tốt nhất từ trước đến này, đội tuyển Việt Nam của thời điểm hiện tại chỉ có thể tiến xa nhất là đến mức độ tiếp cận với trình độ châu lục. Còn nếu muốn đứng trong nhóm các ứng viên hàng đầu cho vé dự World Cup, có lẽ bóng đá Việt Nam cần trải qua một vài thế hệ nữa, tất nhiên sự phát triển chỉ có thể diễn ra cùng một chiến lược đào tạo bài bản và khoa học.

Nếu như những thất bại ở sân chơi tầm cỡ châu lục là điều không mấy bất ngờ bởi đã phần nào được dự đoán từ trước thì việc đội tuyển Việt Nam không bảo vệ được ngôi vô địch Đông Nam Á lại mang đến nỗi lo lắng lớn hơn. Chức vô địch AFF Cup 2018 và sau đó là tấm Huy chương Vàng bóng đá nam SEA Games 2019 tạo ra cho nhiều người một cảm giác rằng bóng đá Việt Nam đã thống trị được đấu trường khu vực và việc giành những danh hiệu dễ dàng chẳng khác gì lấy đồ trong túi.

Nhưng những cú vấp ở Singapore đã phơi ra rất nhiều vấn đề của đoàn quân trong tay thầy Park. Đầu tiên là trận hòa 0-0 trước Indonesia tại vòng bảng, khi đối thủ đã hóa giải được tất cả những miếng đánh quen thuộc của Quang Hải và các đồng đội. Tiếp sau đó là thất bại 0-2 trước Thái Lan trong trận bán kết lượt đi, trận thua cho thấy vị trí “dẫn đầu Đông Nam Á” như nhiều người nhầm tưởng thật ra chưa bao giờ chắc chắn với đội tuyển Việt Nam.

Thất bại trước Thái Lan ở AFF Cup 2020 cho thấy ĐT Việt Nam chưa thể có được vị trí thống trị trong khu vực Đông Nam Á

Một trong hai vế của sự khiêm tốn chính là tôn trọng người khác. Từ rất lâu, Thái Lan được xem là cột mốc để bóng đá Việt Nam hướng tới và vượt qua trên hành trình thoát khỏi “ao làng” Đông Nam Á. Chính vì thế, trận thua đội bóng xứ Chùa vàng cho thấy rõ ràng rằng đội tuyển Việt Nam chưa hề bước lên một đẳng cấp khác, đủ để nhìn những người hàng xóm của mình bằng nửa con mắt. So với Thái Lan, Việt Nam cũng chưa có được các cá nhân đã thực sự bước lên trình độ châu lục như Chanathip Songkrasin hay Theerathon Bunmanthan, những người đã khẳng định được tên tuổi ở J.League, giải VĐQG có chất lượng hàng đầu châu Á.

Mọi sự ảo tưởng đều tan biến sau thất bại trước đại kình địch, đủ để tất cả chúng ta phải có một cái nhìn chính xác hơn về đoàn quân mà HLV Park Hang-seo đang dẫn dắt cùng với một sự tôn trọng dành cho người Thái. “Những chú voi chiến” vẫn là đối thủ lớn nhất của đội tuyển Việt Nam và sự hơn kém tùy thời điểm hoàn toàn chỉ là chuyện phong độ chứ không nói lên đẳng cấp.

Đó có lẽ cũng là điều mà thầy Park muốn ở chính các học trò của mình khi cho rằng đội tuyển cần quay lại xuất phát điểm khiêm nhường ban đầu. Giống như một người muốn nhảy cao, nhảy xa luôn cần những bước chạy đà đủ tốt, việc lùi lại phía sau giống như hành động chuẩn bị cho cú chạy đà đó. Bóng đá Việt Nam trong năm 2022 cần một cú bật nhảy thật tốt ngay từ đầu để lấy lại tinh thần và điều đó có thể được diễn ra trước đối thủ Australia.

Với tình hình lúc này ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022, kết quả không còn là mối bận tâm lớn nhất. Người hâm mộ sẽ chờ đợi các cầu thủ thể hiện tâm lý chiến như thế nào sau thất bại tại AFF Cup, đặc biệt trong hoàn cảnh đội tuyển gặp hàng loạt khó khăn với những chấn thương, án treo giò và cả tình hình Covid-19. Đây chính là vế còn lại của sự khiêm nhường, tự nhìn nhận những khiếm khuyết của bản thân để khắc phục. Thầy Park đã tiến hành những cuộc thay đổi lớn ở đội tuyển, một trong số đó là quyết định gây tranh cãi khi thay người đeo băng thủ quân khi Quế Ngọc Hải không còn là đội trưởng. Tính hiệu quả của các thay đổi đó sẽ được chứng thực bằng chính màn trình diễn trên sân cỏ.

Bóng đá Việt Nam vẫn còn khoảng cách xa với những đội tuyển hàng đầu châu lục

Với sự khiêm nhường, đội tuyển Việt Nam sẽ tiếp cận trận đấu với một tâm thế rất khác. Các cầu thủ sẽ cởi bỏ được áp lực đè nặng lên vai để thể hiện những phẩm chất tốt nhất của mình. Điều đó có ý nghĩa rất lớn trong những trận đấu với các đối thủ trên tầm, bởi sự cách biệt về đẳng cấp có thể được san lấp bằng một chiến thuật hợp lý cùng tinh thần thi đấu thoải mái của các cá nhân. Khi không phải chịu sức ép, hoàn toàn có thể hy vọng vào sự thăng hoa đến từ những Quang Hải, Hoàng Đức hay Công Phượng sẽ làm nên những điều kỳ diệu cho đội tuyển Việt Nam. Tất nhiên cùng với đó là tinh thần chiến đấu hết mình của tất cả “Những chiến binh sao vàng”.

Tâm thế khiêm nhường ấy sẽ được thầy Park quán triệt đến từng học trò của mình. Đội tuyển Việt Nam cần làm sống lại những khát vọng và hoài bão lớn lao từng là điểm tựa cho những thành công rực rỡ suốt quãng thời gian đã qua. Đó cũng là điều mà tất cả người hâm mộ bóng đá Việt Nam kỳ vọng. Một hành trình mới sẽ bắt đầu từ chuyến làm khách trên sân Australia, một trận đấu mà tất cả chúng ta đều chờ đợi sẽ được thấy lại những ngọn lửa bất khuất trên tuyết Thường Châu cách đây 4 năm, cũng vào những ngày tháng 1 như thế này.