ĐT Nhật Bản và mặt trái của dàn sao tung hoành châu Âu

Việc có nhiều cầu thủ chơi bóng ở châu Âu vừa là lợi thế, vừa là bất lợi của đội tuyển Nhật Bản.

Niềm tự hào của người Nhật

Tháng 10/2020, ĐT Nhật Bản từng gây chú ý bằng bản danh sách cầu thủ đá giao hữu với Cameroon và Bờ Biển Ngà. Toàn bộ 100% lực lượng của Samurai Xanh lúc đó đang thi đấu ở châu Âu.

Tháng 6/2021, HLV Hajime Moriyasu tiếp tục khiến mọi đội tuyển châu Á phải ngưỡng mộ theo một cách khác. Ông gọi lên 2 đội hình khác nhau để thi đấu 2 trận vòng loại World Cup, trong đó một nửa là những ngôi sao chơi bóng ở Anh, Pháp, Đức, Italia, Hà Lan, Bỉ...

Dàn sao tung hoành ở châu Âu, trong đó đa số đã chiếm được chỗ đứng vững chắc tại các CLB thuộc những giải đấu nổi tiếng nhất, là niềm tự hào của bóng đá Nhật Bản. Đó là cách mà người Nhật phát triển nền bóng đá của họ, từ mặt chuyên môn cho đến hình ảnh trên đấu trường quốc tế.

Tomiyasu là một trong những đại diện tiêu biểu cho dàn cầu thủ Nhật Bản tung hoành ở châu Âu.

Từ cách đây hơn 2 thập kỷ, bóng đá Nhật Bản đã tìm cách đưa cầu thủ sang châu Âu. Họ luôn có những biểu tượng xuất ngoại để biến giấc mơ Tsubasa thành hiện thực. Thế hệ Takumi Minamino, Ritsu Doan hay Takehiro Tomiyasu đang tiếp bước các đàn anh Hidetoshi Nakata, Shunsuke Nakamura, Keisuke Honda.

Mục tiêu xuất khẩu cầu thủ sang những nền bóng đá hàng đầu thế giới chính là động lực buộc bóng đá Nhật Bản phải sinh ra những cầu thủ đủ giỏi. Trong khoảng một thập kỷ gần đây, họ đã tiến thêm một bước nữa trong chiến lược này, đó là tạo ra các kênh kết nối của chính người Nhật để đưa những sản phẩm của mình đến thẳng lục địa già.

Sint-Truidense là một CLB đang chơi ở giải VĐQG Bỉ nhưng có chủ sở hữu là một doanh nghiệp Nhật Bản. Đội bóng cũ của Công Phượng chính là cánh cổng đến châu Âu của những cầu thủ ưu tú nhất mà nền bóng đá đất nước mặt trời mọc sản sinh ra.

Đã có tổng cộng 25 cầu thủ Nhật Bản khoác áo Sint-Truidense trong khoảng 5 năm đổ lại. Daichi Kamada, cầu thủ Nhật Bản đang chơi cho Frankfurt được Transfermarkt định giá cao nhất (25 triệu euro), Tomiyasu, cầu thủ xuất sắc nhất tháng 9 của Arsenal, cũng sang châu Âu thông qua CLB của Bỉ.

Mặt trái của dàn sao châu Âu

Đặc điểm có nhiều cầu thủ thi đấu ở châu Âu đang khiến đội tuyển Nhật Bản gặp phải một rắc rối mà có lẽ chỉ xảy ra trong thời kỳ dịch COVID-19. Việc đưa những cầu thủ này trở về phục vụ đội tuyển quốc gia vướng phải nhiều trở ngại trong bối cảnh di chuyển giữa các quốc gia đang bất tiện hơn bao giờ hết.

Việc có nhiều cầu thủ chơi bóng ở châu Âu gây ra khó khăn cho ĐT Nhật Bản.

Đội tuyển Nhật Bản sang Việt Nam lần này có tổng cộng 28 cầu thủ. Tuy nhiên, đoàn quân Samurai Xanh chỉ có đúng một buổi tập với đầy đủ quân số trên giấy tờ. Họ phải chia làm 3 nhóm tới Hà Nội, trong đó nhóm đông đảo nhất bị trễ chuyến bay tới… nửa ngày.

“Về việc trì hoãn do chuyến bay, chúng tôi không thể thay đổi được. Đội tuyển Nhật Bản chỉ có một buổi tập với đủ đội hình. Điều này là một khó khăn nhưng chúng tôi cần vượt qua. Tôi nói với các cầu thủ rằng phải hướng đến điều tích cực và tìm ra giải pháp tốt nhất", HLV Hajime Moriyasu chia sẻ.

Không phải đến bây giờ đội tuyển Nhật Bản mới thấm thía rắc rối của thứ vốn được coi là điểm mạnh nhất của họ. Có quá ít thời gian chuẩn bị là lý do khiến thầy trò HLV Moriyasu không có khởi đầu thuận lợi tại vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á.

Trong buổi họp báo trước trận đấu, một phóng viên của Nhật Bản đã đặt vấn đề với HLV Moriyasu như vậy. Không phải tự nhiên mà trong 2 loạt trận tháng 9 và tháng 10, đội bóng của đất nước mặt trời mọc đều thua trận đầu tiên (0-1 trước Oman và Ả-rập Xê-út).

Đó là những trận đấu mà đội tuyển Nhật Bản vẫn chơi trên chân và kiểm soát bóng vượt trội. Những cầu thủ đẳng cấp cao đang chơi bóng ở châu Âu đương nhiên làm được điều đó. Nhưng cái họ thiếu là sự mượt mà trong những phương án tấn công. ĐT Nhật Bản bế tắc trong cả 2 trận thua đó. Lý do dễ nhận thấy nhất là thời gian tập trung chuẩn bị của các cầu thủ từ châu Âu trở về quá ít và chỉ có thể khắc phục ở trận đấu thứ hai của đợt tập trung.

Thế nhưng, với những người làm bóng đá Nhật Bản, đó là cái giá đáng để đánh đổi cho chiến lược của họ. Người Nhật đã kiên trì cho chiến lược xuất khẩu cầu thủ suốt hơn 20 năm và họ không có ý định dừng lại để phục vụ đội tuyển quốc gia ở một vài giải đấu nhất định. Chính đội tuyển Nhật Bản mới phải tìm cách thích nghi với điều đó.

"Họ chỉ có 2 ngày để chuẩn bị. Đó là vấn đề khó khăn. Tuy nhiên, nếu phải lựa chọn việc tập trung dài ngày và lựa chọn các cầu thủ thi đấu ở châu Âu, chúng tôi vẫn sẽ đứng về phía các cầu thủ”, Chủ tịch JFA Kozo Takashima cho biết.

 Minh Minh