ĐT Việt Nam: Thay đổi linh hoạt hay làm mới?

Khá bất ngờ với những người theo dõi ĐT Việt Nam thường xuyên trong những năm qua khi họ được chứng kiến một lối chơi hoàn toàn khác ở sân Bishan trước Malaysia. Ngọt ngào hơn, lối chơi khác ấy đã mang lại một chiến thắng cách biệt trước một đối thủ lớn ở cùng khu vực…

HÀ QUANG MINH

Lịch thi đấu AFF Suzuki Cup 2020

Bản sắc của lối chơi mà HLV Park Hang-seo xây dựng cho ĐT Việt Nam từ khi ông nhận chức cho tới nay đã được định hình dựa trên một hàng thủ tổ chức tốt, chơi thận trọng và phản công sắc bén.

Lối chơi ấy đã mang lại thành công rất lớn cho BĐVN suốt 4 năm qua và gần đây, nó mang lại những tranh luận thú vị sau chuỗi trận toàn thua ở vòng loại thứ 3 World Cup. Một số người đã có quan điểm rằng “tại sao không chủ động tấn công?” mà không lý tới một dữ kiện quan trọng đặc biệt là trước những đối thủ mạnh hơn hẳn ở vòng loại thứ ba World Cup, ĐT Việt Nam có thể tấn công được hay không?

Và thực tế, để thay đổi từ chơi phòng ngự với đội hình thấp và phản công nhanh sang một lối chơi chủ động tấn công không thể nào chỉ ngày một ngày hai là có thể thực hiện được. Đá bóng khác với đánh bài ở chỗ không thể “xoá ván này, đánh ván khác” một cách liền tay.

Bóng đá cần quá trình chuẩn bị và tích luỹ bởi đơn giản, cầu thủ không phải cỗ máy vô thức được lập trình sẵn mà họ là những con người có ý thức, cảm xúc và cũng cần thời gian để thích nghi. Ngay cả một đội tuyển lớn như ĐKVĐ World Cup là Pháp cũng phải cần một vài trận mới có thể quen với sơ đồ 3 trung vệ mới mẻ (so với họ). Mà đấy là Pháp, một đội tuyển có những nhân tố vốn dĩ cũng đã quen chơi với sơ đồ ấy ở cấp CLB rồi. Đằng này, chúng ta ở một tầm vóc kém phát triển hơn nhiều, việc thích nghi lại càng cần lựa chọn hoàn cảnh và đối thủ phủ hợp.

AFF Cup 2020 có vẻ là hoàn cảnh phù hợp và các đối thủ ở sân chơi này cũng vừa cân vừa sức để tiến hành thay đổi. Ông Park Hang-seo đã thực hành thay đổi ấy ngay tại thời điểm này, và nó đã cho thấy hiệu quả. Tuy nhiên, vì đó là ông Park, một cá nhân mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng từng nhận xét là “bất khả tiên đoán”, nên chúng ta cũng cần đặt ra câu hỏi rằng “đây là thay đổi để linh hoạt với sân chơi và đối thủ hay sẽ là một thay đổi bản lề để làm mới một ĐT Việt Nam coi như có thể bị bắt bài sau gần 4 năm ấn định mình?”.

XEM THÊM

Sự biến hóa của HLV Park Hang Seo thổi hồn cho hàng công ĐT Việt Nam

ĐT Việt Nam đã trình diễn thứ bóng đá áp đặt trước Malaysia

Trước khi mày mò võ đoán trả lời câu hỏi này, trước hết phải nhìn nhận rằng thay đổi mà ông Park mang lại thật sự thú vị, hấp dẫn và đặc sắc. Việc lựa chọn chơi chủ động và áp đặt thực tế đã được tiến hành từ trận gặp Lào nhưng nó không đủ để chúng ta tin rằng đó là một cải cách. Đơn giản, tầm vóc của ĐT Lào chưa đủ để thẩm định.

Trong 4 năm qua, ĐT Việt Nam đúng là gắn chặt vào bản sắc phản công nhưng trước những đối thủ yếu hơn như Lào, Cambodia…, chúng ta vẫn chơi áp đặt với tư thế cửa trên. Do đó, trận mở màn AFF Cup lần này không làm chúng ta nghĩ vội tới chuyện ông Park thay đổi hoàn toàn lối chơi.

Nhưng trước Malaysia thì ắt sẽ có vài người trong số chúng ta giật mình. Ở 4 lần gần nhất gặp Malaysia trước đó, ĐT Việt Nam vẫn nhường sân cho đối thủ, nhường bóng cho đối thủ để kiểm soát thế trận nhờ vào phản công. Và chúng ta đều nhận được những kết quả vô cùng tích cực từ cách tiếp cận ấy. Vậy mà ở lần thứ 5 này, ĐT Việt Nam đã trình diện một gương mặt khác. Đội hình dâng cao hơn, khối đội hình chặt chẽ do cự ly được giữ gần nhau hơn, tổ chức dàn xếp bóng chủ động hơn và luôn tạo thế áp đặt thay vì đá chắc và phản công đơn thuần.

Cái cách ông Park để ĐT Việt Nam chơi ở tư thế cửa trên ấy mang lại 1 kết quả rất tốt và kết quả ấy không nằm ở tỷ số đơn thuần mà nó nằm ở cách các cầu thủ của chúng ta di chuyển, trấn giữ các khoảng không gian quan trọng và chủ động thế trận dựa trên việc kiểm soát bóng. ĐT Việt Nam cũng chơi với một đội hình dâng cao hơn, gần với vạch giữa sân hơn và cũng vô cùng tỉnh táo trong việc kiểm soát các rủi ro có thể phát sinh từ việc dâng cao này.

Tuy vẫn còn chưa được sắc bén ở các bài tấn công ở 1/3 sân đối phương nhưng lối chơi mạch lạc, hấp dẫn, lôi cuốn này đã khiến ủng hộ viên đội nhà cảm thấy phấn khích. Nhưng song hành với tâm trạng đó, cũng có vài ý kiến cho rằng Malaysia yếu đi nên chúng ta mới mạnh dạn chơi như vậy.

XEM THÊM

HLV Malaysia đổ lỗi thua Việt Nam do thiếu hụt lực lượng

HLV Park Hang Seo: Thủ môn Việt Nam ai cũng giỏi cả

ĐT Việt Nam hoàn toàn áp đảo Malaysia

Lý giải theo cách ấy cũng không sai nhưng thực ra Malaysia không hề yếu đi như ta tưởng. Việc mất 4 người do Covid cùng 1 người do chấn thương khi mà đội hình mang đi khá mỏng của HLV Tan chang Hoe có thể đánh lừa chúng ta sa bẫy vào cảm giác họ yếu đi. Malaysia vẫn là đội bóng mà ĐT Việt Nam từng khá vất vả ở AFF Cup lần trước và vòng loại thứ 2 World Cup gần đây. Chỉ có điều, họ ở tầm vóc “vừa miếng” nên việc thay đổi sang lối chơi chủ động đã cho chúng ta gặt hái được những thành quả tốt ban đầu.

Như vậy, thắc mắc lớn bây giờ chính là câu hỏi ở trên, thay đổi này chỉ là sự linh hoạt khi gặp đối thủ ngang tầm hay nó là quyết sách xây dựng ĐT Việt Nam ở một giai đoạn mới, nhất là khi bây giờ ông Park đã có toàn thời gian tập trung cho ĐT thay vì phải phân thân cho cả U23 như mấy năm qua. Và không ít người nghiêng về khả năng đây là một thay đổi mang tính dài hạn và ông Park đã sử dụng AFF Cup để chuẩn bị cho loạt trận còn lại của vòng loại World Cup thứ 3.

Xét trên cục diện hiện thời, ĐT Việt Nam rất khó tìm chiến thắng ở vòng loại thứ 3 World Cup khi tất cả các đối thủ còn lại trong bảng đều ở cửa trên về chất lượng. Song, không phải tất cả các đối thủ cửa trên ấy đều trên một cách vượt trội quá sức. Có những đối thủ, như Oman và Trung Quốc chẳng hạn, thực lực chỉ nhỉnh hơn chúng ta một phần nào chứ không phải vượt trội lấn lướt. Vậy thì tập quen cho các tuyển thủ một lối chơi chủ động có khả năng tạo ra được kết quả bất ngờ. Tấn công cùng là một phương án phòng thủ và nếu chơi tấn công với một hàng phòng ngự phía sau được tổ chức tốt, đội bóng cũng sẽ đỡ tổn thương hơn việc chỉ chống đỡ đơn thuần.

Hơn nữa, việc điều chỉnh sang lối chơi chủ động này cũng khá phù hợp với năng lực và tố chất của các tuyển thủ VN, đặc biệt là các cầu thủ tiền vệ. Điển hình là Tuấn Anh, Hoàng Đức, Xuân Trường. Cơ bản, họ không phải những người chơi số 6 cổ điển thuần tuý mà họ được đào tạo bài bản để chơi theo xu hướng hiện đại là một số 6 lai số 8 nhiều hơn. Nếu chỉ chăm chăm chơi thấp, chủ động phòng ngự chắc và phản công nhanh, họ sẽ bị đẩy vào tình thế chơi số 6 nhiều hơn.

Do đó, họ sẽ không phát huy được tố chất hỗ trợ tấn công rất tốt của mình và lại bị bộc lộ nhiều điểm yếu khi phải tham gia phòng ngự, tranh chấp quá thường xuyên. Chính sự bùng nổ của Tuấn Anh (ở các pha khoét xuống đáy biên) cùng việc dâng lên sát vòng cấm đối thủ đúng thời điểm của Hoàng Đức mới là hai nền tảng ấn tượng nhất của việc ĐT Việt Nam trước Malaysia ở Bishan. Sự toả sáng của họ đã khiến Quang Hải được giảm tải đồng thời khiến ĐT Việt Nam chơi ít phụ thuộc vào cầu thủ sáng tạo của CLB Hà Nội hơn.

Tất nhiên, mọi đánh giá kể trên đều chỉ là suy luận chủ quan. Muốn biết ĐT Việt Nam chỉ thay đổi linh hoạt trước Malaysia (để gây bất ngờ dựa trên đánh giá chuẩn xác về đối thủ) hay quyết tâm đổi mới mình, chúng ta còn phải chờ thêm vài trận nữa. Không chỉ là các trận vòng bảng, mà đặc biệt là trước Indonesia mà quan trọng hơn cả là trận gặp Thái Lan (nếu chúng ta gặp họ). Đơn giản, nói gì thì nói, Thái Lan vẫn là đội bóng tiệm cận trình độ châu lục nhất ở khu vực ĐNA. Và nếu chúng ta có thể chơi áp đặt một cách hiệu qủa trước Thái, tại sao không dám nghĩ đến một mùng một Tết nguyên đán tưng bừng?

 VTVcab