Kế hoạch đặc biệt của thầy Park với Hoàng Đức liệu có khả thi?

Việc một cầu thủ được sử dụng khác với vị trí sở trường vốn không phải là điều lạ trong bóng đá và trước Hoàng Đức cũng đã có nhiều cầu thủ thay đổi vai trò quen thuộc để đảm đương vai trò mới.

Tuy nhiên, liệu thầy Park có thực sự muốn đẩy Hoàng Đức lên hàng công và cầu thủ của Viettel có thể trở thành một “tiền đạo xuất sắc” hay không vẫn còn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Trước trận đấu với U20 Hàn Quốc, thầy Park chia sẻ: “Liên quan đến mặt trận tấn công, các cầu thủ trên 23 tuổi mà tôi triệu tập đều có xu hướng tấn công công. Ngoài Nguyễn Tiến Linh thì chúng ta vẫn còn Lê Xuân Tú, Hồ Thanh Minh. Thậm chí Nguyễn Hoàng Đức cũng có thể lên đá tiền đạo khi U23 Việt Nam cần. Tóm lại U23 Việt Nam luôn có nhiều sự lựa chọn. Tôi nghĩ điều cần thiết bây giờ là thời gian để sắp xếp và gắn kết đội hình”.

Hoàng Đức có thể được sử dụng ở một vị trí khác so với sở trường ở kỳ SEA Games tới

Sự khó khăn trong khâu ghi bàn là một trong những vấn đề mà bất cứ ai cũng có thể nhận thấy ở đội U23 Việt Nam trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 31. Mặc dù đã triệu tập Tiến Linh nhưng thầy Park vẫn đang đau đầu trong việc tìm ra một đối tác xứng tầm với trung phong thuộc biên chế Becamex Bình Dường. Đúng như chiến lược gia Hàn Quốc đã phát biểu, trong tay của ông đang có rất nhiều lựa chọn như Trần Bảo Toàn, Nguyễn Văn Tùng, Bùi Vĩ Hào, Lê Xuân Tú, Hồ Thanh Minh, Trần Văn Đạt, Mai Xuân Quyết. Ngay cả người được liệt kê ở hàng phòng ngự là Nhâm Mạnh Dũng cũng luôn sẵn sàng “trở lại” hàng công nếu được yêu cầu.

Tuy nhiên trong rất nhiều lựa chọn ấy không ai thực sự nổi bật lên hẳn và tạo sự yên tâm tuyệt đối cho ông Park. Đến thời điểm này, việc điền tên một trong những cái tên nói trên vào đội hình ra sân của U23 Việt Nam hoàn toàn là chuyện “so bó đũa, chọn cột cờ”.

U23 Việt Nam đã gặp khó khăn trong việc tìm đường đến khung thành đối phương từ U23 Dubai Cup và điều đó tiếp tục thể hiện ở trận đấu với U20 Hàn Quốc trên sân Việt Trì. Khi thời gian từ giờ đến SEA Games không còn nhiều, thầy Park cần phải sớm tìm ra công thức tốt nhất cho hàng công của mình, mà cụ thể ở đây là chọn người đá cặp với Tiến Linh. Trong đó, phương án đẩy Hoàng Đức lên cao hơn vị trí hiện tại là một kế hoạch đáng chú ý.

Hoàng Đức có kỹ thuật toàn diện và hoàn toàn có thể chơi tốt ở vị trí tiền đạo

Đương kim QBV là một cầu thủ có kỹ thuật toàn diện và khả năng dứt điểm đầy uy lực. Anh cũng sở hữu chiều cao lý tưởng để chơi tiền đạo. Khả năng ghi bàn của anh cũng không hề tệ. Mùa 2018, Hoàng Đức ghi được 9 bàn thắng sau 17 lần ra sân để giúp đội Viettel vô địch V.League 2 và giành quyền thăng hạng. Tại một sân chơi như SEA Games, việc kéo Hoàng Đức lên chơi ở hàng công khá hợp lý khi với đẳng cấp sẵn có cùng khả năng xử lý tình huống cực kỳ thông minh của mình, cầu thủ của Viettel có thể tạo ra những đột biến ở khoảng 1/3 sân đối phương, điều mà U23 Việt Nam còn thiếu ở những trận đấu gần đây. Bên cạnh đó, sự hiểu nhau giữa Tiến Linh và Hoàng Đức vốn đã được xây dựng sau khoảng thời gian gắn bó lâu dài ở ĐTQG cũng sẽ tạo nên những miếng phối hợp chắc chắn là ăn ý hơn so với Tiến Linh và bất cứ đàn em nào ở U23 hiện tại.

Khoảng trống mà Hoàng Đức để lại ở tuyến tiền vệ cũng không đáng lo vì thầy Park còn trong tay Hùng Dũng và Lý Công Hoàng Anh. Trong đó, việc đưa Lý Công Hoàng Anh vào danh sách ban cán sự của U23 Việt Nam cho thấy niềm tin của nhà cầm quân Hàn Quốc vào tiền vệ đang thi đấu cho Topenland Bình Định. Ngoài ra, tuyến giữa còn nhiều sự lựa chọn khác cũng đã chứng tỏ được khả năng, ví dụ như Dụng Quang Nho. Với các đối thủ ở tầm cỡ SEA Games, sự kết hợp của Hùng Dũng với một tiền vệ trẻ như Hoàng Anh hay Quang Nho là đủ để U23 Việt Nam có thể tự tin vào khả năng tranh chấp cũng như điều tiết nhịp độ, luân chuyển bóng ở trung lộ.

Sự ăn ý giữa Hoàng Đức và Tiến Linh có thể là lời giải cho hàng công của U23 Việt Nam

Trước Hoàng Đức, bóng đá Việt Nam cũng đã chứng kiến nhiều trường hợp các cầu thủ đổi vị trí và có được thành công rực rỡ. Nguyễn Minh Phương, cựu tiền vệ lừng danh một thời của Gạch Đồng Tâm Long An và ĐT Việt Nam là một minh chứng. Minh Phương khởi đầu sự nghiệp tại Cảng Sài Gòn ở vị trí hậu vệ biên. Tại SEA Games 2003, anh là hậu vệ phải số 1 của đội U23 Việt Nam. Cựu thủ quân ĐT Việt Nam kể lại: “Năm 18 tuổi, vị trí tiền vệ ở Cảng Sài Gòn toàn các cầu thủ nổi tiếng như Hồ Văn Lợi, Võ Hoàng Bửu, Trần Quan Huy. Tôi còn trẻ nên khó cạnh tranh với các đàn anh. Các thầy Phạm Huỳnh Tam Lang và Đặng Trần Chỉnh thấy tôi có kỹ thuật, lại trẻ khỏe nên để đá hậu vệ biên. Vị trí đó theo tôi đến khi lên tuyển quốc gia”.

Bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp của Minh Phương đến khi anh chuyển tới Gạch Đồng Tâm Long An và làm việc với HLV Henrique Calisto. “Thầy Tô” đã quyết định đẩy Minh Phương lên chơi tiền vệ trung tâm với Phan Văn Tài Em, tạo ra một cặp bài trùng xuất sắc bậc nhất lịch sử V.League. Bên cạnh Tài Em luôn cần mẫn bền bỉ, Minh Phương tỏa sáng nhờ nhãn quan chiến thuật siêu hạng cùng lối chơi cực kỳ thông minh. Huỳnh Quang Thanh, đồng đội của Minh Phương ở ĐT Việt Nam vô địch AFF Cup 2008 nhận xét: “Minh Phương dễ dàng điều khiển trái bóng theo ý mình nhờ giác quan, kỹ thuật cực kỳ tốt”.

Ở thời kỳ đỉnh cao của mình, những cú phất bóng dài vừa mềm mại vừa chính xác của cựu cầu thủ sinh năm 1980 được xem “của độc” tại V.League. Minh Phương luôn được xem là một trong tiền vệ xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam và dấu ấn đậm nét nhất trong sự nghiệp củaanh là cú đá phạt cho Công Vinh đánh đầu ghi bàn ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2008 với Thái Lan trên sân Mỹ Đình.

Minh Phương bắt đầu sự nghiệp ở vị trí hậu vệ biên nhưng trở thành ngôi sao khi được đẩy lên chơi ở hàng tiền vệ

Một trường hợp gần hơn, ngay trong triều đại của HLV Park Hang-seo là Trọng Hoàng. Xuất phát điểm của Hoàng “bò” là một tiền vệ tấn công, tuy nhiên trước AFF Cup 2018, cầu thủ người Nghệ An được thầy Park sắp xếp ở vị trí mới khá lạ lẫm với anh: Hậu vệ cánh phải. Đây là một thử nghiệm của thầy Park khi hai lựa chọn quen thuộc của ông trước đó là Vũ Văn Thanh và Phạm Xuân Mạnh đều dính chấn thương nặng. Kinh nghiệm, kỹ thuật và cả sức mạnh đã giúp Trọng Hoàng nhanh chóng thích nghi và tỏa sáng với vai trò mới, thậm chí còn giúp anh trở thành hậu vệ phải số 1 của ĐT Việt Nam trong một khoảng thời gian dài cho đến khi dính chấn thương.

Các trường hợp của Minh Phương và Trọng Hoàng cho thấy việc chuyển đổi vị trí không phải là vấn đề lớn với một cầu thủ đẳng cấp. Thậm chí đôi khi việc thay đổi vị trí đã được “mặc định” còn có thể giúp cho các cầu thủ phát huy tối đa những tố chất tiềm ẩn của mình. Nếu như HLV Calisto đã nhận ra nhãn quan chiến thuật xuất sắc và sự thông minnh của Minh Phương quá phí phạm nếu tiếp tục để anh đá hậu vệ cánh thì ở trường hợp Trọng Hoàng, những pha đi bóng “trái kèo” của anh lại trở nên hiệu quả khi cầu thủ Nghệ An thi đấu dạt ra biên (Trọng Hoàng là người thuận chân phải, nhưng anh lại thường dẫn bóng bằng chân trái để tạo ra bất ngờ cho đối thủ).

Trọng Hoàng đã phát huy được những phẩm chất tốt nhất của mình khi được sử dụng ở vị trí hậu vệ biên

Bóng đá thế giới cũng từng chứng kiến nhiều cầu thủ “đổi đời” sau khi đổi vị trí. Gareth Bale xuất phát là một hậu vệ cánh tại Southampton nhưng sự nghiệp của anh chỉ thực sự thăng hoa khi HLV Harry Redknapp quyết định đẩy ngôi sao xứ Wales lên thi đấu vai trò tiền đạo cánh tại Tottenham. Sergio Ramos cũng là một trường hợp tương tự. Anh vốn là hậu vệ cánh phải tại Sevilla và đến Real Madrid, Ramos mới được chuyển vào giữa đá trung vệ, để rồi sau đó cầu thủ Tây Ban Nha trở thành một trong những trung vệ vĩ đại nhất trong thế hệ của mình.

Tất nhiên mọi so sánh đều chỉ là khập khiễng. Ngay cả việc thầy Park có sử dụng Hoàng Đức thật hay đây chỉ là đòn “tung hỏa mù” của ông với các đối thủ cũng là điều chưa ai có thể chắc chắn. Mặc dù vậy, đây vẫn là phương án rất đáng để các CĐV chờ đợi, bởi biết đâu nếu Hoàng Đức được thử nghiệm và chơi tốt trong một vai trò mới, ĐT Việt Nam sẽ có thêm một lựa chọn đầy chất lượng trên hàng công.