Thái Lan: Cái tên giả và đội hình ôm mộng lật đổ Việt Nam

Những gì mà ĐT Thái Lan bấu víu cho AFF Cup 2020 là một đội hình với nhiều cựu binh giúp họ lên ngôi cách đây những 5 năm về trước… 

Án phạt nặng từ Tổ chức chống doping  

Sẽ không có một Thái Lan hay Indonesia với tên gọị và lá quốc kỳ đúng nghĩa tại giải đấu Đông Nam Á sắp tới. Thay vào đó, Thái Lan và Indonesia sẽ phải sử dụng một cái tên fake cùng một lá cờ với biểu tượng khác để có thể dự giải. Dù rằng, họ vẫn còn nguyên bộ khung đội hình đúng nghĩa có bản quyền ở phía trong. Lý do là bởi Cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA) tuyên bố ba quốc gia gồm Triều Tiên, Thái Lan và Indonesia không tuân thủ các quy định của tổ chức này. 

Theo WADA, Triều Tiên và Indonesia đã không thực thi các chương trình xét nghiệm doping có hiệu quả. Còn trường hợp của Thái Lan là không áp dụng đầy đủ Bộ luật chống doping năm 2021. Điều này khiến cả ba quốc gia không được phép đăng cai các sự kiện thể thao khu vực, châu lục hoặc thế giới trong thời gian bị đình chỉ. 

Thái Lan sẽ không thể lấy tên gọi, lá cờ tổ quốc khi dự AFF Cup - Ảnh: Thai Football

WADA không cấm VĐV của Triều Tiên, Thái Lan và Indonesia tham dự các giải đấu. Tuy nhiên, quốc kỳ của họ không được xuất hiện tại các sự kiện này, trừ trường hợp tại Olympic và Paralympic.  

Phía Thái Lan ban đầu chống trả gay gắt án phạt của WADA. Tờ Bangkok Post trích lời chủ tịch Cơ quan thể thao Thái Lan (SAT) Gongsak Yodmani cho biết họ sẽ đề nghị WADA xem xét lại vấn đề. Ông Yodmani giải thích rằng Thái Lan đã hoàn thành văn bản về các quy định để phù hợp với Bộ luật chống doping 2021. Tuy nhiên vì các lý do liên quan đến pháp lý mà những văn bản này chưa thể được công bố. "Chúng tôi sẽ giải thích với WADA rằng chúng tôi không phớt lờ điều này. Chúng tôi sẽ sớm ban hành các văn bản quy định", ông Yodmani cho biết.  

Tuy nhiên, những phản biện của Thái Lan suy cho cùng vẫn thất bại trước án phạt của WADA. 

Thái Lan sẽ buộc phải sử dụng một cái tên khác thay cho tên ĐTQG Thái Lan - Ảnh: VFF

Các sự kiện này được WADA quy định là “quốc tế lẫn trong nước, miễn là có sự tham gia của các đội tuyển cấp quốc gia của Thái Lan cũng như các CLB thuộc Vương quốc Thái Lan”. Chưa hết, Thái Lan cũng sẽ không được đăng cai với tư cách là quốc gia trung lập, chẳng hạn như tổ chức các vòng loại tập trung. Ở vòng loại U23 châu Á vừa qua, Kyrgyzstan chính là quốc gia trung lập đứng ra đăng cai bảng của Việt Nam (gồm Việt Nam, Đài Bắc Trung Hoa và Myanmar). Ngoài ra, Thái Lan cũng đã bị từ chối quyền trưng quốc kỳ của mình tại bất kỳ sự kiện thể thao nào. Có thể nhận thấy án phạt của WADA với Thái Lan là cực kỳ nặng nề.

Những thông tin mới đây khẳng định, Thái Lan gần như chắc chắn sẽ phải sử dụng tên, quốc kỳ khác tại các sự kiện bóng đá quốc tế, mà cụ thể là AFF Cup 2020 (diễn ra cuối năm 2021) và SEA Games 31 (dự kiến diễn ra giữa năm 2022). Điều đó có nghĩa rằng, Thái Lan sẽ phải sử dụng lá cờ khác tại AFF Cup 2020 sắp tới, thậm chí là cả tên. Bản chất vẫn là đội tuyển Thái Lan như hiện tại nhưng họ sẽ được gọi dưới một cái tên khác, sử dụng một nhận diện khác giống như trường hợp của Nga tại Futsal World Cup vừa qua. Khi đó, họ được gọi bằng tên RFU và dùng logo của LĐBĐ làm nhận diện thay vì quốc kỳ như các đội tuyển khác.

Câu chuyện "tên thay thế" từng chỉ xuất hiện ở trò chơi điện tử PES hay FIFA hoá ra lại xuất hiện đúng với Thái Lan.

Thái Lan dồn mọi nguồn lực tốt nhất có thể để hạ bệ Việt Nam - Ảnh: VFF

Một đội hình mạnh về lý thuyết nhưng có vấn đề trong thực tế 

Cách đây 2 ngày, ĐT Thái Lan công bố danh sách 30 cầu thủ tham dự AFF Cup 2020. Đó thật sự là một đội hình rất mạnh khi HLV Alexandre Polking lựa chọn những cầu thủ ưu tú nhất như Chanathip Songkrasin, Theerathon Bunmathan, Teerasil Dangda hay gương mặt đang chơi ở Leicester City – Thannawat. 

Tuy nhiên, vấn đề cũng bộc lộ từ đội hình này. ĐT Thái Lan cho đến hiện tại vẫn phải phụ thuộc vào thế hệ từng đưa họ lên ngôi cách đây tận 5 năm. Gần như nửa thập kỷ qua, Thái Lan không trình làng thêm một ngôi sao nào đủ sức kế cận. Suphanat, Supachok rồi Supachai đều là những tài năng hứa hẹn. Nhưng họ vẫn chưa đủ khả năng để vươn mình lên một tầm cỡ lớn hơn. 

Vậy nên, ĐT Thái Lan buộc phải “cầu cứu” Chanathip và Theerathon. Nhưng vấn đề ở đây là cả 2 đều sẽ tập trung rất muộn với ĐT Thái Lan. Bởi cả Consadole Sapporo của Chanathip lẫn Yokohama F.Marinos từ Theerathon đều chỉ kết thúc mùa giải J.League vào ngày 4/12, tức là trước AFF Cup đúng 1 ngày!

Câu chuyện phụ thuộc cũng được nhìn thấy ở hàng công. 2 trong 3 tiền đạo của ĐT Thái Lan là Teerasil Dangda và Adisak Kraisorn đều đã trên 30 tuổi. Nhưng đến giờ, họ vẫn là những tiền đạo chủ lực của Thái Lan. 

Vấn đề tiếp theo nằm ở chính HLV Polking. Nhà cầm quân mang trong mình 2 dòng máu Đức và Brazil phải ký một bản hợp đồng ngắn hạn với vỏn vẹn 4 tháng với LĐBĐ Thái Lan. Trong đó, màn trình diễn của Thái Lan sẽ là căn cứ cho việc ông Polking có thể ở Thái Lan ngắn hạn hay dài hạn. Rõ ràng, LĐBĐ Thái Lan cũng không có đủ niềm tin cho ông Polking. Ở chiều ngược lại, HLV này đương nhiên cũng sẽ bị tổn thương khi người Thái chỉ xem ông là phương án chữa cháy trong bối cảnh chưa thể tìm được một HLV nào đủ giỏi lèo lái Thái Lan trở lại vị thế số 1 Đông Nam Á và vươn lên top đầu châu Á.

Chanathip Songkrasin trở lại để giúp Thái Lan tìm lại vinh quang - Ảnh: VFF