3 lý do La Liga sẽ không nhượng bộ Barca

Chủ tịch Joan Laporta cùng các đồng sự còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa để cân đối tài chính cho Barca khi mà thái độ của La Liga vẫn rất cứng rắn.

"Chúng tôi muốn ban tổ chức La Liga linh hoạt hơn nếu có thể, giống như các giải đấu khác trên khắp châu Âu đã tạo điều kiện cho các đội bóng. Sau đó, chúng tôi có thể ký hợp đồng với một số cầu thủ khác. Về hợp đồng mới với Messi, mọi chuyện đang diễn ra tốt đẹp. Chúng tôi đang cố gắng giải quyết các vấn đề trong thời gian nhanh nhất có thể", Chủ tịch Laporta phát biểu trong buổi lễ ra mắt tân binh Emerson Royal.

Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản như vậy. Kế hoạch cắt giảm nhân sự để giải phóng quỹ lương đã chạm đỉnh của Barca vẫn đang đình trệ. Trong khi đó, nhiều khả năng La Liga sẽ không nhượng bộ để giải quyết vấn đề mà ban lãnh đạo trước đó của đội chủ sân Camp Nou gây ra.

Barca có nguy cơ không thể đăng ký các tân binh cho La Liga 2021/22.

Đầu tiên, La Liga không muốn thay đổi, bởi với một vấn đề quan trọng thế này: Ban tổ chức giải không có quyền tự mình quyết định. Nếu muốn điều chỉnh điều khoản nào đó để có lợi cho Barca, dự thảo phải được đội chủ sân Camp Nou trình bày, sau đó tổ chức cho các CLB khác bỏ phiếu bầu. Tất cả đều biết những đội bóng khác tại La Liga sẽ không chấp thuận. Quy định được đặt ra để đảm bảo tình hình tài chính của La Liga được duy trì ở mức ổn định.

Thứ hai, Pháp và Italia đang trải qua những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Sau khi phải kết thúc sớm mùa giải 2019/20, tình hình tài chính của Ligue 1 vẫn chưa thể hồi phục do các khán đài vẫn không thể chật cứng cổ động viên.

Serie A cũng chịu chung số phận khi phải kêu gọi sự hỗ trợ từ chính phủ do mất đi khoản doanh thu lên đến 1,1 tỷ euro vì dịch Covid-19. Bên cạnh đó, các CLB cũng đề xuất được hưởng những ưu đãi tài chính và hoãn việc thanh toán nợ tối thiểu 2 năm.

Ở Tây Ban Nha, các CLB đã sống qua đợt khủng hoảng vì đại dịch nhờ khả năng kiểm soát tốt tình hình tài chính. Họ chắc chắn không muốn một lần nữa phải vướng vào mớ hỗ độn như thế này. Đại đa số CLB đều đã tìm ra phương án đối phó với đại dịch và không muốn bất cứ quy tắc nào bị thay đổi, ngoại trừ có thêm sự hỗ trợ từ chính phủ Tây Ban Nha.

Việc cho phép vượt quá giới hạn lương đồng nghĩa thỏa hiệp với sự thua lỗ của các CLB. Sẽ có những khoản lương mà nhiều đội bóng không thể trả bởi số tiền họ thu về là không đủ. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến sự tồn tại của giải đấu, các CLB và chất lượng chuyên môn.

Barca, Real Madrid và Juventus vẫn nuôi tham vọng khởi động dự án Super League.

Cuối cùng, các CLB không muốn tạo điều kiện cho Barca khi đội bóng này tiếp tục cho thấy thái độ ủng hộ dự án Super League. Họ hiểu rằng một mặt, đội chủ sân Camp Nou đang cố gắng tạo ra một sân chơi cho riêng mình và làm tổn hại đến giá trị của giải vô địch quốc gia. Ngược lại, đội bóng này lại muốn các CLB khác tạo điều kiện để có thể ký hợp đồng mới với Messi.

Chủ tịch Laporta đang phải đối mặt với một vấn đề khổng lồ mà người tiền nhiệm Josep Bartomeu để lại. Tính đến nay, việc "liệu cơm gắp mắm" với kỳ chuyển nhượng hè 2021 ít nhiều cho thấy mặt tích cực trong tầm nhìn của vị chủ tịch này. Tuy nhiên, các đầu việc vẫn còn đang bày ngổn ngang trước mắt ông.

Barca còn rất nhiều việc phải làm nếu muốn ký hợp đồng với Messi. Kể cả khi việc này thành công và họ được đăng ký toàn bộ tân binh cho La Liga 2021/22, mùa giải tới vẫn được dự đoán không ít khó khăn với nỗ lực giảm lương và thanh lọc đội hình để bắt kịp với hầu hết các CLB khác tại Tây Ban Nha.

 Tuấn Tú
BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC