Bóng đá Việt Nam và Thái Lan: Tìm chiến thắng khác

Bị người Thái ngăn bước ở AFF Cup 2020 này, không ít người có cảm giác “cay” xè như đồ ẩm thực Thái lan vậy. Và nhiều người chờ đợi một dịp nào đó để phục hận, bằng một chiến thắng xứng đáng…

Lịch thi đấu AFF Cup 2021

HLV Darby: 'Tuyển Việt Nam chơi bóng bổng là không hợp lý'

Báo Thái Lan: ‘ĐT Việt Nam bất lực rời AFF Cup 2020’

Hà Quang Minh

Nhìn vào cách đội tuyển Việt Nam thi đấu ở lượt về (mà thực tế chính xác hơn là hiệp 1 lượt về), nhiều người tin rằng nếu có lần chạm trán tiếp theo, chúng ta hoàn toàn có cửa thắng. Cái ấm ức của việc dù có đạt thành tích tốt hơn họ ở những năm qua nhưng vẫn không thắng được họ ở một giải đấu chính thức nào vẫn còn tích tụ đó. Mong mỏi thắng đại kình địch cùng khu vực thực ra cũng là mong mỏi chính đáng thôi. Song, nếu nhìn ở một tầm nhìn khác, chúng ta cần một chiến thắng khác.

Đó sẽ không phải là chiến thắng ở trên sân cỏ, bằng một đội bóng cụ thể, một HLV cụ thể hay một tập thể cầu thủ cụ thể. Đó cần phải là một chiến thắng ở đúng cái điểm mà ta đang thực sự thua kém họ rất xa: một nền bóng đá chuyên nghiệp.

Có kha khá nhiều người đánh giá đội tuyển Việt Nam ở kỳ AFF Cup này không được chuẩn bị tốt là do ảnh hưởng của dịch Covid. Đúng, nhưng rất ơ kìa. Dịch Covid không chỉ hoành hành ở riêng Việt Nam, mà ở quốc gia nào cũng bị tấn công cả. Và đúng, nhưng rất cay đắng. Dịch chỉ là cái cớ trong một cuộc chơi bóng đá không có hậu.

Hãy nhớ lại cuộc tranh cãi nảy lửa giữa các ông bầu đội bóng với VPF khi dịch bùng phát hồi quý II. Bên phía VPF đưa ra nhiều phương án, mà trong đó có phương án mang tính dự báo khá tốt là V-League sẽ quay lại khoảng tháng 10 và tháng 11 trong điều kiện hạn chế nhất định. Nhưng cuối cùng, cái gọi là cơ quan quyền lực nhất trong khâu tổ chức giải đấu được xem là chuyên nghiệp nhất ở Việt Nam đã phải quy hàng trước các ông bầu lắm mưu nhiều chước. Huỷ giải. Cầu thủ coi như tạm thời thất nghiệp. Các chú các bác chẳng cần quan tâm đến các cháu mong muốn gì. Và mỉa mai hơn, có đội bóng còn giải tán với các cầu thủ được thanh lý nhưng phải ngầm chấp thuận “cấm đòi nợ cũ”.

Đội tuyển Việt Nam thi đấu khá tốt trong hiệp 1 trận gặp Thái Lan

Đội tuyển Việt Nam chỉ có thể về nước vào ngày 31/12

HLV Park Hang Seo thất vọng với Văn Toàn, Công Phượng

Hòa Thái Lan, đội tuyển Việt Nam thành cựu vô địch AFF Cup

Sự ảnh hưởng đến phong độ của các tuyển thủ do không được sinh hoạt nghề nghiệp đúng với chu kỳ sinh lý thể thao là thấy rõ. Cất lên lời tiếc nuối cho việc ĐTQG không thể đi đến tận đích cuối cùng ở AFF Cup thì rất dễ nói, thậm chí các ông bầu càng dễ nói hơn. Nhưng chịu trách nhiệm cho chính việc các cầu thủ không được sinh hoạt thể thao theo đúng nhịp sinh học cần có thì các ông bầu im lặng, một thái độ im lặng y như khi họ nợ lương và bị đòi tiền.

Ở Thái, giải đấu của họ không bị tiêu diệt không thương tiếc theo cách đó. Họ nâng niu giải đấu không khác gì nâng niu ĐTQG, nếu không nói là hơn. Đó là cách làm đúng quy luật của bất kỳ nền bóng đá chuyên nghiệp nào. Giải VĐQG chính là sinh quyển để đội tuyển quốc gia từ đó phát triển. Và ở một giải đấu như V-League, thực sự chúng ta vẫn luôn có một ĐTQG mạnh ở khu vực quả thực là “hồng phúc” của nền bóng đá rồi. Có cái phúc ấy nhưng lại không biết chăm bẵm, bảo sao chúng ta tiến bộ quá chậm so với khả năng và tố chất của cầu thủ Việt Nam vốn có.

Trong khi ở Thai League 1 có tới 16 đội và Thai League 2 có tới 18 đội thì thực tế, V - league và hạng nhất được bao nhiêu đội bóng? Đừng nghĩ số lượng không quan trọng bởi số lượng chính là cơ sở đầu ra cho các lò đào tạo. Muốn đào tạo hiệu quả, phải có đầu ra và đầu ra quốc nội nắm tầm quan trọng lớn nhất. Hãy thử nghĩ, một CLB ở Việt Nam cho ra lò 3 năm một lứa mới chẳng hạn, các nhân tố mới ấy sẽ đi đâu, kiếm tìm cơ hội như thế nào? Nói thẳng, đất phát triển cho cầu thủ ở Việt Nam quá hẻo trong khi khát vọng trở thành cầu thủ của những người trẻ thì lại rất lớn. Sự mất cân bằng ấy tạo nên một vẻ mặt bóng đá vẹo vọ đúng nghĩa.

Nói đến các CLB, có CLB nào ở Việt Nam có hoạt động thương mại tốt được như một CLB hạng trung ở Thai League 1 hay chưa? Cái này là điều đáng xấu hổ của những người vẫn xem mình là cứu tinh cho nền bóng đá èo uột này. Và số cực hiếm hoi có đầu tư ra một đội bóng nước ngoài thì không vội nghĩ tới việc đưa cầu thủ Việt Nam sang các CLB đó với kỳ vọng đặt từng viên gạch nhỏ cho sự tiếp cận với thế giới chuyên nghiệp đúng nghĩa. Không phải họ không yêu bóng đá, không yêu cầu thủ Việt nhưng với cách chơi của các ông bầu hiện nay, quan điểm của họ là “thồi, phức tạp, chả dây”.

Bóng đá Thái Lan đi trước bóng đá Việt Nam về sự chuyên nghiệp

Ngay cả cách người Thái, rồi người Mã, người Lào sử dụng các cầu thủ hải ngoại của họ cũng đáng để ta suy nghĩ. Vật vã mãi mới có một Đặng Văn Lâm được khẳng định mình ở ĐTQG. Có phải cầu thủ Việt kiều kém chất lượng hay không? Hay còn rào cản nào khiến họ không thể đặt cờ đỏ sao vàng lên ngực áo mình hãnh diện? Không hẳn là lực lượng hải ngoại đó có thể làm đội tyuển Việt Nam mạnh lên nhưng nó tạo ra sức cạnh tranh phong phú hơn, để chính các cầu thủ bản địa cũng phải tiến bộ hơn. Đó là một chiều kích đúng nghĩa chứ không phải cái phao cứu sinh thành tích. Và nó cũng mở ra các tiếp cận đa dạng với bóng đá thế giới, đặc biệt là bóng đá châu Âu hiện đại, vốn dĩ vẫn được coi là Bắc đẩu của túc cầu.

Chúng ta đang cần thắng người Thái ở chính điểm này. Bao giờ mới thắng được họ? Câu hỏi này không dám trả lời vì nó mờ mịt quá. Nhưng nếu đã quyết tâm thắng thì ắt sẽ có phương án để đi tìm chiến thắng. Chỉ sợ không chịu tìm tòi thôi chứ một khi đã dám dấn thân, đợi một chiến thắng như thế 10 năm, 20 năm hay hơn nữa, khán giả Việt Nam vẫn đợi.