Carrick làm HLV trưởng MU, tại sao không?

Ralf Rangnick sẽ tới nhưng khi hợp đồng HLV tạm quyền chỉ vẻn vẹn 6 tháng, chúng ta có thể đặt ra câu hỏi "Tại sao Carrick không thể làm HLV trưởng của MU?"...

Hà Quang Minh

Ai hưởng lợi, ai sẽ bị ‘hắt hủi’ ở MU thời HLV Rangnick?

Vì sao MU chưa chốt xong hợp đồng với HLV Rangnick?

Rangnick sẵn sàng làm HLV dài hạn cho MU

Sẽ nhiều người đối diện câu hỏi này với câu trả lời đầy bực bội “Để rồi lại như một Solsa nữa à?”. Gượm đã, Carrick cũng không ngồi ghế tạm quyền được lâu nữa, Rangnick đang tới rồi.

Đăng đàn về việc bổ nhiệm Rangnick, có vài ý kiến trái chiều mà cụ thể nhất là quan điểm của cựu tiền vệ MU Kalchelskis. Đại ý, Kalchelskis cho rằng lựa chọn Rangnick là sai lầm và Carrick hoàn toàn có thể đảm đương được vị trí này.

Thực tế, nếu đúng là Kalchelskis nghĩ như vậy, rất có thể ông vẫn bị đắm chìm trong câu chuyện hẹp là “kiếm tìm một HLV trưởng cho đội bóng” trong khi câu chuyện rộng hơn, với viễn cảnh xa hơn mà MU đang kiếm tìm là xây dựng một hệ thống mới dựa trên nền tảng vững chắc mà sir Alex đã gầy dựng nhiều thập niên.

Câu chuyện xây dựng một hệ thống này chúng ta có thể tham khảo từ chính đối thủ của MU đêm nay là Chelsea. Có một chức danh hiện nay ở Chelsea đang khuyết, mà nếu nói thẳng ra là họ không cần tới, chính là vị trí Giám đốc kỹ thuật. Đây từng là vị trí được nhiều tên tuổi nắm giữ mà trong đó có thể nhắc tới Avram Grant và Emenalo.

Thực chất, ở Chelsea, nhân vật được xem là số 2 chính là Marina Granovskaia, trợ lý riêng của Abramovich. Mọi đàm phán chuyển nhượng đều được thực hiện bởi nữ trợ lý mệnh danh “người đàn bà sắt” này. Và khi hệ thống của Chelsea tồn tại theo một cấu trúc chiều dọc là HLV trưởng - GĐKT - Granovskaia, mâu thuẫn chắc chắn xảy ra.

Cả một giai đoạn Chelsea rối ren cũng chính là quãng thời gian mâu thuẫn giữa 3 vị trí này nổ ra mà chủ yếu là mâu thuẫn giữa GĐKT với HLV trưởng và giữa GĐKT với Granovskaia. Một ví dụ cụ thể nhất là Emenalo. Vị giám đốc này không chỉ mâu thuẫn với Granovskaia mà còn mâu thuẫn luôn với Mourinho. Chính lần trở lại Chelsea của Mourinho, Emenalo đã đệ đơn từ chức để nhằm mở rộng đường cho Mourinho tái ngộ Stamford Bridge nhưng Abramovich đã từ chối.

Marina Granovskaia là nhân vật quyền lực số 2 tại Chelsea

Giờ đây, Chelsea thực sự yên ổn và có vẻ đang trong đà phát triển rất bền vững với sự dẫn dắt của Thomas Tuchel. Nhưng thực chất, chúng ta phải nhìn rộng ra hơn để thấy rằng sở dĩ Tuchel bắt tay vào việc hiệu quả lập tức là bởi môi trường làm việc ở Chelsea rất dễ chịu. Kể từ khi Lampard còn là HLV trưởng, Chelsea đã khai tử vị trí GĐKT và giao toàn quyền chuyên môn cho HLV. Granovskaia cũng không còn là một nữ trợ lý nữa mà cô nhận một chức danh rất chung chung là “giám đốc”. Tuy chung chung nhưng ai cũng hiểu cô cầm trọng trách chuyên đàm phán chuyện mua sắm cầu thủ theo ý nguyện của HLV và quyết định của ông chủ Chelsea.

Một chi tiết khá thú vị là tuần trước, báo chí Anh có đưa cái tin đại khái là Abramovich có mặt ở London nhưng không đến CLB dù rằng Chelsea chuẩn bị tiếp Juve. Điều đó cho thấy, Abramovich đã buông Chelsea từ rất lâu. Không phải ông ta đã cạn nguồn khát vọng sau nhiều danh hiệu Chelsea có được mà cơ bản ông cảm thấy chẳng cần can thiệp gì khi cỗ máy đang vận hành trơn tru như thế này.

Bây giờ thì ta quay lại với MU. Giám đốc KT của họ là Fletcher nhưng thực chất, Fletcher có toàn quyền nổi hay không khi cái bóng của sir Alex còn quá lớn và ý kiến bung cung của lực lượng “huyền thoại” thì “quá nhiều, quá đều và nói rõ to”. Fletcher khó lòng tạo được tầm ảnh hưởng bao trùm lên chuyên môn của CLB và đó là chúng ta còn chưa nói tới năng lực của Fletcher ở cương vị này vẫn chưa thể hiện nổi trội chút nào.

Có Rangnick làm HLV tạm quyền với lời đảm bảo từ MU là sau 6 tháng, Rangnick hoàn toàn có thể trở thành một cố vấn có thực quyền. “Cố vấn có thực quyền”, mấy tiếng này nghe rất quen và khá giống với vai trò của Granovskaia ở Chelsea trước khi cô lên ghế giám đốc. Thực chất, ở thời điểm ấy, Granovskaia không có 1 vị trí nào cụ thể trong CLB nhưng tiếng nói của cô là quyền lực thứ nhì chỉ sau ông chủ. Và nếu Rangnick có được tiếng nói quyền lực như vậy tại MU, chắc chắn môi trường làm việc của MU sẽ khác hẳn.

Carrick có thể học hỏi được nhiều thứ từ Rangnick

Michael Carrick ở trận tạm quyền đầu tiên đã sử dụng những cầu thủ mà Solsa vốn dĩ bỏ rơi hoặc chưa dùng được hiệu quả như Sancho và Van de Beek. Chi tiết này cho thấy, bản thân Carrick có ý tưởng riêng của mình nhưng ở vai trò trợ lý cho Solsa, các ý tưởng đó có thể không được ứng dụng. Nhưng nếu chỉ với vài ý tưởng nho nhỏ đó mà quả quyết rằng Carrick xứng đáng là HLV trưởng MU thì quá vội. Tuy vậy, phải thừa nhận rằng Carrick đang có một cơ hội.

Ai cũng biết Rangnick là một người dìu dắt học trò rất giỏi và tầm ảnh hưởng của ông lên Klopp, Tuchel chính là minh chứng. Điều gì sẽ xảy ra nếu Carrick sát cánh với Rangnick và học hỏi một cách chu đáo từ “bố già” này? Là một người từng chơi tiền vệ phòng ngự, tức là luôn phải có ý thức chiến thuật rất cao; lại từng thể hiện được mình có những ý tưởng cũng như độ dũng cảm để theo đuổi ý tưởng, Carrick bản thân đã có một bệ phóng tốt để học hỏi. Và một khi được chỉ bảo từ Rangnick, việc Carrick trưởng thành để nắm trọng trách cũng không phải là chuyện quá xa vời.

Vả lại, Rangnick vốn vẫn ưa thích vai trò như một GĐKT hơn vì tính bao quát của nó cũng như khả năng phát triển hệ thống của ông. Thêm vào đó, vị trí GĐKT ít chịu áp lực trực tiếp như vị trí HLV trưởng nên cũng không ảnh hưởng quá lớn tới sức khoẻ của một người đã ngoài 60. Vậy thì kịch bản Carrick cắp tráp theo học cấp tốc Rangnick trong 6 tháng là điều hoàn toàn có khả năng xảy ra. Tất nhiên, nó sẽ chỉ xảy ra nếu tất cả các bên muốn thế.

 VTVcab