Filip Nguyễn về Việt Nam là một bước lùi?

Thông tin Topenland Bình Định liên hệ với thủ thành Filip Nguyễn và gần như chắc chắn sẽ có được thủ môn Việt kiều này vào kỳ chuyển nhượng giữa mùa giải đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Đội chủ sân Quy Nhơn được cho là sẵn sàng chi ra một khoản phí lót tay khổng lồ cùng với mức thu nhập vào loại cao nhất ở V.League cho thủ thành sinh năm 1992. Tiền bạc không phải là vấn đề với CLB đang được mệnh danh là “PSG Việt Nam” và đã khuấy đảo thị trường chuyển nhượng trước mùa giải.

Bản thân Filip Nguyễn cũng mong muốn được về quê hương của cha anh để chơi bóng. Các CĐV của Topenland Bình Định nói riêng và V.League nói chung cũng rất háo hức chờ đợi màn trình diễn của một cầu thủ ở đẳng cấp châu Âu trên sân cỏ Việt Nam. Nói tóm lại, đây dường như là một thương vụ hoàn hảo với tất cả. Thế nhưng, những gì từng xảy ra với các cầu thủ Việt kiều từng có thời gian thi đấu tại V.League trong quá khứ cho thấy mọi thứ trước mắt Filip Nguyễn không chỉ toàn một màu hồng.

Filip Nguyễn đã khẳng định được đẳng cấp và trình độ trong thời gian chơi bóng ở châu Âu

Xét về mặt chuyên môn, không có gì phải nghi ngờ về trình độ cũng như đẳng cấp của thủ thành sinh năm 1992. Filip Nguyễn đã xây dựng tên tuổi ở giải VĐQG CH Czech. Thủ môn này trưởng thành từ lò đào tạo của Sparta Praha, đội bóng hàng đầu xứ sở pha lê và đạt đến đỉnh cao sự nghiệp tại Slovan Liberec. Với những màn trình diễn xuất sắc trong màu áo CLB của thành phố Liberec, Filip Nguyễn từng giành danh hiệu thủ môn xuất sắc nhất giải VĐQG CH Czech mùa giải 2018/2019. Anh cũng nhiều lần ra sân thi đấu ở đấu trường Europa League và được triệu tập vào ĐTQG CH Czech. Năm ngoái 2021, Filip Nguyễn cũng lọt vào danh sách bầu chọn Quả bóng vàng CH Czech và đứng ở vị trí thứ 32/45 ứng viên.

Filip Nguyễn sẽ hết hạn hợp đồng với CLB Slovan Liberec vào tháng 6/2022. Trên thực tế thì ở mùa giải 2021/2022, anh cũng không còn giữ được vị trí chính thức và được cho Slovan Liberec cho Slovacko mượn. Vì lẽ đó, từ đầu năm nay thủ môn sinh năm 1992 đã có thể thoải mái liên hệ để tìm bến đỗ mới. Topenland Bình Định chính là đội bóng thể hiện mong muốn nghiêm túc nhất để có được chữ ký của Filip Nguyễn. Bố anh, ông Nguyễn Minh, đã trở về Việt Nam để tìm hiểu và giải quyết những vấn đề liên quan. Ở vòng 1 V.League 2022, ông Minh có mặt tại sân Quy Nhơn theo dõi trận đấu đầu tiên của Topenland Bình Định ở mùa giải mới 2022, thua Viettel 0-2.

Thủ thành sinh năm 1992 sẽ phải làm quen với một môi trường bóng đá hoàn toàn khác biệt khi đến với V.League

Cách đây 6 năm, Filip Nguyễn từng được HLV Mai Đức Chung mời về thử việc ở CLB Thanh Hoá. Tuy nhiên không có thỏa thuận nào được diễn ra. Năm 2020, thủ thành mang hai dòng máu này cũng đánh tiếng muốn được nhập quốc tịch Việt Nam và thi đấu cho đội tuyển quốc gia. Đáp lại, phía VFF và HLV Park Hang-seo rất chào đón Filip Nguyễn nhưng việc nhập quốc tịch không thể diễn ra một cách nhanh chóng. Việc Filip Nguyễn trở về Việt Nam chơi bóng có thể thúc đẩy quá trình nhập quốc tịch của anh, giúp HLV Park Hang-seo có thêm một lựa chọn chất lượng trong khung gỗ.

Dự kiến Filip Nguyễn có thể về Việt Nam ngay tháng 5 sau khi mùa giải tại châu Âu kết thúc và có khoảng 1 tháng tập luyện trước khi chính thức ra mắt trong màu áo đội bóng đất võ. Với tên tuổi cùng kinh nghiệm của thủ thành này, sự chờ đợi dành cho Filip Nguyễn là không phải bàn cãi.

Không ai không mong muốn Filip Nguyễn sẽ có một khởi đầu ấn tượng tại V.League và sau đó, có thể trở thành một tuyển thủ quốc gia. Tuy nhiên đẳng cấp và trình độ của một cầu thủ đôi khi lại không phải là yếu tố quyết định đến việc anh ta có thành công hay không ở một đội bóng mới. Lịch sử V.League từng chứng kiến những cầu thủ Việt kiều ở đẳng cấp rất cao, đến từ những môi trường bóng đá phát triển hơn Việt Nam song đã gặp rất nhiều khó khăn khi trở về V.League chơi bóng.

Đến chơi ở một giải đấu không thể so sánh với môi trường bóng đá châu Âu liệu có phải là bước lùi trong sự nghiệp của Filip Nguyễn?

Lee Nguyễn và Đặng Văn Lâm là hai trường hợp nổi bật nhất. Họ là những cầu thủ xuất sắc với trình độ chuyên môn không có gì phải nghi ngờ. Cả hai cầu thủ này đều rất được kỳ vọng khi trở về V.League chơi bóng nhưng đã trải qua những chặng đường cực kỳ gian nan trong việc hòa nhập với môi trường mới. Một trong những yếu tố quan trọng cản trở sự thích nghi của họ chính là khác biệt văn hóa, từ ngoài cuộc sống đến trong tập luyện hay khi thi đấu. Sự khác biệt này từng khiến Lee Nguyễn và Lâm “tây” trải qua những giai đoạn thật sự cô đơn trong chính tập thể của họ.

Năm 2009, Lee Nguyễn đến Việt Nam khoác áo Hoàng Anh Gia Lai với bản hợp đồng được xem là bom tấn lớn nhất V.League thời bấy giờ. Cầu thủ có thời gian chơi bóng cho PSV và từng được gọi vào đội tuyển Mỹ được đánh giá là người có đẳng cấp cao nhất từng xuất hiện tại V.League. Bầu Đức cũng dùng những chế độ biệt đãi để thuyết phục Lee Nguyễn đến Hàm Rồng khi từng điều cả chuyên cơ để đón cầu thủ này.

Lee Nguyễn từng gặp nhiều khó khăn khi chuyển tới HAGL

Thế nhưng Lee Nguyễn ngay sau vài trận chơi bóng ở quê nội Việt Nam đã phàn nàn về cách chơi bóng câu giờ, thói quen ăn vạ của các cầu thủ tại V.League và nhiều lần khẳng định các hàng phòng ngự của đối phương đôi khi chỉ nhằm chân của anh mà đá. Sự thiếu chuyên nghiệp của sân chơi V.League thời điểm đó đã tích tụ ức chế trong người Lee Nguyễn và khiến anh hai lần bị truất quyền thi đấu chỉ sau 18 trận đấu đầu tiên cho Hoàng Anh Gia Lai vì những lỗi phản ứng. Lee Nguyễn chỉ ở lại phố núi 1 mùa và ra đi sau vụ va chạm với HLV Kiatisak. Khi chuyển sang Bình Dương, cầu thủ Việt kiều này cũng không đạt được những thành công như sự kỳ vọng vào khả năng thật sự của anh. Lee Nguyễn không nhận được nhiều sự hỗ trợ của các đồng đội và điều này xuất phát một phần từ khác biệt văn hoá khi chính cầu thủ này cũng tự cô lập bản thân với phần còn lại.

Đặng Văn Lâm từng bị các đồng đội cô lập vì văn hóa và lối sống khác biệt

Đặng Văn Lâm trước khi có được những thành công trong màu áo đội tuyển Việt Nam cũng từng trầy trật trong hành trình khẳng định bản thân. Năm 2010, khi Lâm “tây” 17 tuổi và không thấy cơ hội phát triển ở Nga hay các quốc gia Châu Âu, thủ thành này quyết định trở về Việt Nam, quê hương của cha anh để tìm kiếm cơ hội. Văn Lâm được nhận vào lò đào tạo của Hoàng Anh Gia Lai, nhưng sự khác nhau về văn hóa, lối sống và suy nghĩ kiêu ngạo cùng cái tôi quá lớn của một cầu thủ trẻ trở về từ châu Âu khiến Lâm “tây” không được lòng đồng đội, thường xuyên bị cô cập. Đó cũng là lý do khiến anh bị HAGL thanh lý hợp đồng năm 2013 và sau đó phải trở về Nga.

2 năm sau, Văn Lâm mới trở lại Việt Nam sau một lá thư ngỏ gửi cho HLV Miura và VFF. CLB Hải Phòng đã cho thủ thành này cơ hội thứ hai để thử sức ở V.League nhưng cũng phải hơn một mùa giải làm dự bị, Lâm “tây” mới được HLV Trương Việt Hoàng trao cơ hội bắt chính. Đây là điểm khởi đầu hành trình giúp thủ môn sinh năm 1993 chinh phục người hâm mộ Việt Nam bằng tài năng trong khung gỗ của mình

Đúng ở thời điểm sự nghiệp trên đà phát triển, một scandal lại xảy ra với Văn Lâm. Sự cố va chạm đáng tiếc với cựu trợ lý Lê Sỹ Mạnh của CLB Hải Phòng khiến Văn Lâm chấn thương nặng và không thể ra sân thi đấu ở 2 tháng cuối V.League 2017. Nguyên do của va chạm này cũng đến từ cách ứng xử của Lâm “tây” ngoài sân cỏ. Thủ môn của đội tuyển Việt Nam là người có tính chuyên nghiệp rất cao. Để chuẩn bị cho chiến dịch AFF Cup 2018, Văn Lâm sẵn sàng bỏ tiền túi mời chuyên gia thể lực từ Spartak Moscow sang để hỗ trợ mình tập luyện. Thế nhưng môi trường V.League cùng những mối quan hệ bên trong nó lại rất phức tạp mà sự chuyên nghiệp của một cầu thủ từng ăn tập ở những nền bóng đá phát triển đôi khi lại trở thành lạc lõng.

Bài học kinh nghiệm của Lee Nguyễn và Lâm "tây" sẽ rất quý giá với Filip Nguyễn

Đó cũng sẽ là những thử thách mà Filip Nguyễn phải đối mặt khi trở về Việt Nam. Việc chuyển về thi đấu tại V.League sẽ mở ra cơ hội lớn cho thủ môn này hoàn thành mong muốn khoác áo đội tuyển Việt Nam, nhưng xét về mặt chuyên môn, đây rất có khả năng là một bước lùi trong sự nghiệp của Filip Nguyễn nhất là khi anh mới 30 tuổi, độ tuổi còn tương đối trẻ với một thủ môn. Có thể vào thời điểm này, V.League đã phát triển hơn nhiều so với thời điểm Lee Nguyễn hay Lâm “tây” thi đấu. Các cầu thủ cũng đã trở nên chuyên nghiệp hơn nhiều và khó có chuyện Filip Nguyễn gặp phải sự cô lập như những ngôi sao Việt kiều từng đối mặt. Tuy nhiên cần phải nhìn nhận thẳng thắn rằngmặt bằng chung chất lượng của V.League vẫn chưa ở mức cao ngay trong khu vực châu Á. Bên cạnh đó, những điều kiện tại Việt Nam dĩ nhiên còn một khoảng cách xa với các quốc gia châu Âu và Filip Nguyễn sẽ phải học cách thích nghi với môi trường hoàn toàn khác so với bóng đá ở CH Czech.