MU thua Wolves: Việc của Rangnick vẫn còn nhiều
Thất bại đầu tiên của Rangnick với Man Utd cho thấy HLV tạm quyền người Đức còn quá nhiều việc phải làm để tái thiết Man Utd. Đơn giản, tái tạo lại sức mạnh cho đội bóng này không phải là chuyện có thể tính thời gian bằng tuần hay tháng…
Hà Quang Minh
Sau thất bại ngay trên sân nhà trước Wolverhampton, đã bắt đầu có những người quay lại với lối giễu nhại Man Utd ở thời Solsa kiểu như “xem đội bóng ấy tấu hài”. Và cũng có những người cho rằng hệ thống của Rangnick có vấn đề hoặc ông thầy người Đức này cũng chỉ là một phiên bản Solsa khác mà thôi. Thực tế, vấn đề không chắc đã nằm ở HLV người Đức hay hệ thống của ông. Chẳng HLV nào không hề nhận thất bại trong đời cả. Quan trọng sau mỗi thất bại là người ta rút ra được bài học gì hay không để đứng lên. Thế nên, có thất bại lại là nền tảng cho thành công sau này và có thất bại chính là tuyệt vọng.
Hệ thống 4-2-2-2 của Rangnick có vấn đề hay không? Trước câu hỏi ấy, chắc chắn nên trả lời là “Không”. Không có hệ thống nào là không có ưu nhược điểm của nó cả. Nhưng vấn đề không đến từ cái gọi là hệ thống ấy mà nó đến từ con người vận hành trong hệ thống. Và hệ thống 4-2-2-2 của Rangnick thuộc diện một trong số ít những hệ thống “trung tính” nhất trong bóng đá, với khả năng linh hoạt chuyển đổi trong thực chiến qua các hệ thống khác một cách cực dễ dàng. Nhưng muốn đạt tới trình độ linh hoạt dễ dàng này, nó lại yêu cầu con người không được dễ dãi chút nào. Hoạt động trong kiểu sơ đồ này đòi hỏi tối đa tính kỷ luật và sự hoà nhịp tuyệt đối với nhịp chơi chung.
Không khó để nhận ra rằng đánh giá của Rangnick sau trận cầu dựa trên cơ sở nào. Khi Rangnick thẳng thừng chê Man Utd quá yếu kém trong tổ chức pressing, chúng ta nên nhìn một cách tích cực là ông đã dám đi thẳng vào sự thật và thừa nhận cái dở của đội nhà. Sở dĩ Wolves chiếm ưu thế gần như tuyệt đối ngay từ hiệp 1 là do chính các cầu thủ Man Utd để cho họ được phép chơi bóng. Áp sát đúng lúc, một trong những hành vi cấu thành tổ chức pressing, gần như không hề tồn tại ở phía Man Utd. Chỉ cần xem lại trận cầu, và đếm “1,2,3…” mỗi lần các cầu thủ Wolves nhận bóng, chúng ta sẽ giật mình thấy rằng đội quân của HLV Rangnick đã cho đối thủ quá nhiều thời gian để thoải mái xử lý bóng. Từ đó, Wolves mới trở thành đội làm chủ cuộc chơi ở ngay tại Old Trafford.
Phil Jones và màn tái xuất MU đáng nhớ sau 707 ngày
HLV Rangnick chỉ thẳng vấn đề của MU
Không những đã áp sát chậm và thiếu quyết liệt, Man Utd còn gần như nhường luôn quyền kiểm soát bóng 2 cho đối thủ. Và điều đó dẫn tới chuyện đội khách thắng thế hoàn toàn ở vùng cơ hội ở cả hai phía cầu môn. Khi kiểm soát hoàn toàn vùng cơ hội này, dễ hiểu Wolves mới là đội bóng có số cú dứt điểm nguy hiểm vượt trội trong khi Man Utd gần như không có một cơ hội đáng chú ý nào.
Nhìn vào vị trí bình quân của các cầu thủ Man Utd, chúng ta càng giật mình hơn. Cavani lùi quá sâu (mà không mang lại được lợi ích gì) trong khi di chuyển không gian của Greenwood, Sancho, Wan-Bissaka và Luke Shaw là không hợp lý một chút nào. Trong hệ thống 4-2-2-2 của Rangnick, với mục tiêu tối ưu là chơi trực diện, khai thác mạnh mẽ ở hai nội biên (half-space), đòi hỏi tiên quyết là hai hậu vệ biên phải cực kỳ cơ động. Tiếp theo đó, di chuyển của hai vị trí tiền vệ hộ công là Greenwood và Sancho và hai tiền vệ trung tâm phải cực kỳ nhịp nhàng. Họ phải nhìn nhau mà di chuyển theo một nhịp đồng bộ nhằm mục tiêu làm sao có thể đưa bóng vào điểm cách mặt thành khoảng 20-25m ở hai nội biên và phát động một đợt tấn công từ đó. Khi nào dạt ra biên, khi nào tấn chiếm nội biên, khi nào chồng biên trong…, tất cả phải đóng góp vào đó nhịp nhàng như một mắt xích hoàn hảo. Nhưng trước Wolves, tất cả các vị trí ấy của Man Utd đều di chuyển thiếu sự đồng bộ và nói thẳng ra là rất tự phát. Mà trong bóng đá hiện đại, tự phát chẳng khác gì tự sát.
Chê trách bất kỳ cá nhân nào trong đội hình Man Utd ở thất bại vừa rồi cũng đều không thoả đáng bởi khi cả tập thể chưa nắm bắt được nhuần nhuyễn các yếu quyết của một hệ thống mới thì việc lôi một cá nhân nào đó ra để chỉ trích chỉ là vô nghĩa. Nhưng liệu bao giờ thì Man Utd mới đạt đến độ nhuần nhuyễn cần có đây? Câu hỏi này mới là vấn đề chính và nó cho thấy việc của Rangnick ở Man Utd vẫn còn rất nhiều.
Thực tế, để Man Utd chơi như một cỗ máy nhịp nhàng thì chúng ta phải tìm ra chìa khoá của cỗ máy ấy. Nói cụ thể, Man Utd cần một thủ lĩnh tinh thần trên sân, một người mà bất kỳ cầu thủ nào nhìn vào đó cũng phải tự nép mình lại trở thành 1 trong tổng thể bất kể tên tuổi của cầu thủ kia lẫy lừng thế nào. Hãy thử chỉ ra ai là cái tên đáng mặt thủ lĩnh như vậy ở Man Utd mấy năm gần đây xem nào? Ái chà, đó là một việc quá khó. Và khi chưa có CR7 mà Man Utd đã khó tìm vai trò thù lĩnh như vậy rồi thì lúc CR7 góp mặt, ai dám làm thủ lĩnh đây?
Nhưng CR7 cũng có thể hiện được vai trò thủ lĩnh ấy hay không? Không. Thực chất, ngay cả thời kỳ ở Real Madrid, CR7 cũng chưa bao giờ cho thấy anh là một thủ lĩnh trên sân cả. Và cái nguy hiểm của Man Utd lúc này lại là việc khi họ đang không có một người xứng tầm “hiệu lệnh một tiếng toàn đội phải ngoan” thì họ lại còn phải gánh thêm một vấn đề rất đau đầu: họ đang chơi bóng với một siêu sao tên tuổi là CR7, một người được sinh ra để các đồng đội phục vụ chứ chưa bao giờ là người phục vụ đồng đội cả.
Có thể nói, với CR7, với Cavani, với Fernandes, với Shaw, với ngay cả Sancho hay Rashford trẻ trung đi nữa, Man Utd đang là một tập thể toàn “tướng” nhưng thiếu rất nhiều “quân”. Một tập thể tướng nhiều hơn quân như vậy chắc chắn khó có thể xây dựng được sự đồng điệu (harmony), khi không có sự đồng điệu ấy, khó có thể tạo nên được công thức chơi bóng nhuần nhuyễn (chemistry). Vì thế, việc tái thiết Man Utd của Rangnick không phải là chuyện nằm trong thời gian tạm quyền HLV của ông mà nó sẽ còn phải kéo dài tới cả thời gian chuyển sang vai trò cố vấn cao cấp có thực quyền như trong hợp đồng quy định. Khi ấy, với một HLV đúng đắn được chọn lựa, Rangnick sẽ phải đẩy đi rất nhiều cái tên, thậm chí có thể là cái tên lớn (nên các bạn chớ vội tiếc nếu điều đó xảy ra) để đưa về những lính chiến đúng nghĩa, những người răm rắp kỷ luật dưới sự dẫn dắt của một con người nổi trội. Còn con người nổi trội ấy là ai thì câu trả lời vẫn còn để ngỏ. Rangnick có thể vẫn còn đang tìm kiếm anh ta ngay trong các thử nghiệm (kể cả là thất bại) của Man Utd lúc này.
Rangnick và thế hệ HLV Đức hiện đại ảnh hưởng từ ông rất nhiều khá mê say một khái niệm trong bóng đá là “hỗn loạn có kiểm soát” (managed chaos). Họ muốn tạo ra một cuộc chơi trên sân nhanh, đa chiều, đa dạng, quyết liệt khiến đối thủ tưởng như đó là một thứ bóng đá hỗn loạn nhưng thực tế, khi được lên kế hoạch và toan tính trước, hỗn loạn ấy được họ kiểm soát tốt trong khi với đối thủ thì không. Có thể, chính những kết quả chưa tốt của Man Utd lúc này (và cả tương lai gần) cũng đang là một dạng “hỗn loạn” mà Rangnick muốn thấy. Để từ đó, ông kiểm soát nó, đãi lớp cát cũ (là các cầu thủ Man Utd hiện thời) cố gắng tìm vàng. Đó chính là một bước để ông bắt đầu công cuộc xây dựng lại Man Utd trong ít nhất là 2 năm tới. Nói gì thì nói, ở Man Utd, sự vô tổ chức đã tồn tại kéo dài cũng đã 8 năm rồi. 8 năm, nó đã thành tập quán. Thay đổi một tập quán, chắc chắn không thể tính bằng tuần.
- Biểu cảm khó tin của Maguire trên khán đài khi MU thua thảm Man City
- Bộ trưởng Thể thao Indonesia: "Vụ bạo loạn là vết nhơ làm xấu hình ảnh Indonesia"
- Phản ứng của Mbappe trên băng ghế dự bị khi chứng kiến Messi lập siêu phẩm
- Nhân chứng hoảng loạn kể lại nguyên nhân kinh hoàng dẫn đến thảm kịch của bóng đá Indonesia
- Truyền thông thế giới bàng hoàng trước vụ bạo loạn ở giải VĐQG Indonesia
- MU nhận tin vui trước thềm đại chiến với Man City
- Bồ Đào Nha phũ phàng loại Ronaldo khỏi hình ảnh đại diện tại World Cup 2022?
- Thêm một quan chức cấp cao FIFA phải ngồi tù vì tham nhũng
- Link trực tiếp Pau FC vs FC Metz lúc 0h ngày 02/10 giải Ligue 2
- Clip: Mbappe "bẽ mặt" vì dứt điểm kém hơn Neymar, Ramos ở thử thách sút bóng