Vì sao ĐT Việt Nam đá 5 hậu vệ vẫn bị khoét cánh?
Trước đẳng cấp chênh lệch của Nhật Bản, ĐT Việt Nam khó tránh khỏi trận thua nằm trong dự liệu dù chơi với đội hình 5 hậu vệ.
Trước cuộc đối đầu với Nhật Bản, thầy trò HLV Park Hang Seo chưa giành được điểm nào tại vòng loại cuối World Cup 2022. Và không thời điểm nào hoàn hảo hơn lúc này để chiến lược gia người Hàn Quốc cùng các học trò tri ân người hâm mộ bằng một kết quả tích cực. Bởi lẽ, đây là lần đầu tiên sau 2 năm, Mỹ Đình đón khán giả trở lại.
Tuy nhiên, không có bất ngờ nào xảy ra trước gã khổng lồ bóng đá châu Á.
Sơ đồ 3-4-3 đã giúp "Những chiến binh sao vàng" giành loạt kết quả tích cực với thành tích chỉ để thua 1 trên tổng số 8 trận tại vòng loại thứ hai. Song, vòng đấu quyết định tấm vé đi Qatar, nơi hội tụ nhiều đối thủ tầm cỡ như Nhật Bản, Ả-rập Xê-út, Trung Quốc..., không phải chỗ tuyển Việt Nam dễ dàng thiết lập lối chơi kiểm soát. Do đó, 5-3-2 trở thành sơ đồ được HLV Park Hang Seo ưa dùng tại vòng loại cuối.
Thực tế cho thấy ở những trận đấu trước, tuyển Việt Nam tuy toàn thua đối thủ, nhưng chưa từng "vỡ trận" khi không nhận thất bại với cách biệt trên 2 bàn nào. Kết quả này lặp lại trước Nhật Bản khi các học trò của HLV Park chỉ để đối thủ chọc thủng lưới 2 lần, một trong số đó không được công nhận bàn thắng. Đó là kết quả đáng khen ngợi, đặc biệt trong một trận đấu mang tính chất "học hỏi". Thế nhưng, chừng đó là không đủ để làm lu mờ những điểm yếu trong đội hình của tuyển Việt Nam xuất phát từ cặp cầu thủ chạy cánh.
Chiến lược gia người Hàn Quốc không có những quân bài tốt nhất của mình. Ông mất Đoàn Văn Hậu ở hành lang trái khi hậu vệ sinh năm 1999 chuẩn bị phải sang Hàn Quốc phẫu thuật điều trị dứt điểm chấn thương đầu gối. Trong khi đó, Nguyễn Trọng Hoàng, người chơi xuất sắc trong trận thua 0-1 trước Australia, cũng vắng mặt vì chấn thương và không kịp trở lại. Ở một thế trận đề cao sự an toàn, HLV Park buộc sử dụng cặp Vũ Văn Thanh và Nguyễn Phong Hồng Duy thay vì 2 cầu thủ ít kinh nghiệm là Hồ Tấn Tài và Lê Văn Xuân.
Tuy nhiên, bộ đôi khoác áo CLB HAGL, đặc biệt là Văn Thanh, đã bộc lộ những hạn chế nhất định từ trận đấu với Trung Quốc trước đó. Cầu thủ quê Hải Dương có thể chơi hay trước các đối thủ ở tầm Đông Nam Á, nhưng những ông lớn châu Á ở một đẳng cấp khác. Anh không ít lần mắc lỗi vị trí và tung ra những đường chuyền hỏng khi bị đối thủ áp sát. Bàn thua của tuyển Việt Nam ở phút 17 phản ánh chính xác điều này.
Ở tình huống Takumi Minamino thoát xuống bên cánh trái, Văn Thanh là người đã không chủ động theo kèm tiền vệ khoác áo Liverpool ngay từ đầu. Có thể hiểu cầu thủ người Nhật Bản trước khi nhận bóng đang đứng ở giữa sân, về nguyên tắc, sẽ được "chăm sóc" bởi những tiền vệ trung tâm của tuyển Việt Nam.
Tuy nhiên, ngay sau khi Minamino chạy chéo xuống hành lang trái, Văn Thanh mất tới vài giây để đưa ra quyết định đuổi theo đối thủ. Khi đó, Đỗ Duy Mạnh là người đã phải lui về để theo sát cầu thủ này. Song, tốc độ của trung vệ khoác áo CLB Hà Nội hoàn toàn thua thiệt so với cầu thủ đã có kinh nghiệm thi đấu tại Premier League. Ở cánh đối diện, Hồng Duy dù theo sát Junya Ito, nhưng cũng để thua trong pha đua tốc độ tay đôi và không thể ngăn cản tiền đạo người Nhật Bản băng vào đệm bóng cận thành.
Đẳng cấp chênh lệch giữa 2 đội là điều dễ thấy qua những con số thống kê. Nhật Bản kiểm soát bóng đến 66,8% và tung ra 13 cú dứt điểm, cả hai đều khoảng gấp đôi tuyển Việt Nam, với lần lượt 33,2% và 6 cú sút.
Đặc biệt hơn, trái với dự đoán "Samurai xanh" sẽ pressing toàn sân và liên tục gây áp lực lên đội chủ nhà, HLV Hajime Moriyasu chủ động chỉ đạo các học trò chơi bình tĩnh. Tuyển Nhật Bản không chỉ kiểm soát bóng tốt hơn, mà nhờ nhãn quan chiến thuật, kỹ thuật và khả năng xoay xở của từng cá nhân, họ còn dễ dàng làm chủ thế trận và chọn thời điểm tăng tốc hợp lý. Những pha triển khai tấn công bất ngờ với tốc độ cao chính là thứ tuyển Việt Nam khó có thể hóa giải dù chơi với hàng phòng ngự 5 người.
Thêm vào đó, tuyển Nhật Bản cũng có thời điểm để "Những chiến binh sao vàng" cầm bóng. Bằng chứng là các học trò của HLV Park tạo ra tới 6 tình huống dứt điểm, với 1 lần đưa bóng đi trúng khung thành trước hàng phòng ngự đẳng cấp châu Âu. Ở thế trận có thể triển khai tấn công, Văn Thanh và Hồng Duy phải dâng cao để tăng quân số hoặc giải tỏa áp lực cho các đồng đội ở khu trung tuyến. Song, điều đó cũng đồng nghĩa là khi để mất bóng, họ khó có thể kịp lui về hỗ trợ cho 3 trung vệ.
Dẫu sao, với những thua thiệt về đẳng cấp, trình độ và sự thiếu hụt về nhân lực, để thua với tỷ số tối thiểu trước Nhật Bản vẫn là kết quả đáng khen. Đó là sự tỉnh táo của đội trưởng Quế Ngọc Hải, lăn xả của Duy Mạnh, Bùi Tiến Dũng, quyết tâm của Bùi Tấn Trường và sự hỗ trợ của tất cả cầu thủ tuyến trên. Sau 5 trận đấu, tuyển Việt Nam vẫn chưa giành điểm nào, nhưng học hỏi được nhiều điều.
Bất cứ đội bóng nào cũng phải bước những bước đầu tiên trước khi hái quả ngọt bằng tấm vé dự World Cup danh giá. Thua Nhật Bản không phải nỗi hổ thẹn. Thua để biết mình ở đâu, và có đi thì mới thành đường.
- Tin thể thao tổng hợp ngày 2/10: ĐT futsal Việt Nam vào tứ kết giải châu Á, Thùy Linh viết trang sử mới cho cầu lông Việt Nam
- Tin thể thao tổng hợp ngày 1/10: Nguyễn Thuỳ Linh vào chung kết giải Vietnam Open, Hà Nội đại thắng Bình Dương
- Tin thể thao tổng hợp ngày 30/9: ĐT futsal Việt Nam rộng cửa vào tứ kết, Vũ Thị Trang tạo địa chấn tại giải Việt Nam mở rộng
- Tin tổng hợp ngày 29/9: ĐT futsal Việt Nam chiến thắng áp đảo ĐT Hàn Quốc, Ronaldo vẫn là tâm điểm của sự chỉ trích
- Tin thể thao tổng hợp ngày 28/9: ĐT Việt Nam dành được nhiều lời khen trên các mặt báo quốc tế
- Tin thể thao tổng hợp ngày 27/9: ĐTVN vô địch Giải giao hữu quốc tế, Harry Maguire bị chỉ trích nặng nề
- AFC vinh danh một ngôi sao của Việt Nam tại giải futsal châu Á 2022
- Tin thể thao tổng hợp ngày 26/9: Quang Hải muốn được dự AFF Cup, Messi hết lời khen ngợi Neymar và Mbappe
- Lịch thi đấu của ĐT Việt Nam tại VCK futsal châu Á 2022
- Bốc thăm chia bảng giải bóng đá VFTV King Of Cup lần hai năm 2022: Chờ đợi mùa giải bùng nổ