Sự khiêm nhường của Chanathip và bài học cho cầu thủ Việt

Chanathip vẫn là ngôi sao bóng đá số 1 của Thái Lan và cả khu vực Đông Nam Á, một vị trí mà anh sẽ còn giữ được một khoảng thời gian nữa trước khi xuất hiện đối thủ cạnh tranh xứng tầm (có thể là Quang Hải?).

Cầu thủ sinh năm 1993 đang khoác áo Kawasaki Frontale, đội bóng đương kim vô địch của J.League và được kỳ vọng sẽ tiếp tục tỏa sáng như khi chơi bóng ở Consadole Sapporo. Nhưng chính Chanathip, dù đã xây dựng được thương hiệu của riêng mình ở một giải VĐQG hàng đầu châu Á, mới đây cũng thừa nhận rằng mình chưa đủ “trình” để chơi bóng tại châu Âu. Đó là một sự thừa nhận rất đáng chú ý, nhất là với các cầu thủ Việt Nam đang có ước mơ xuất ngoại.

Chanathip thừa nhận anh chưa sẵn sàng với những thử thách ở châu Âu

Đầu tiên, hãy nhìn lại hành trình gây dựng tên tuổi của Chanathip trên đất Nhật Bản. Với sự phát triển của bóng đá ở Đông Nam Á, khu vực được xem là “vùng trũng” trên bản đồ bóng đá thế giới, việc Chanathip Songkrasin chuyển đến Nhật Bản thi đấu có lợi cho cả cầu thủ người Thái Lan và J.League.

Chanathip có trận ra mắt tại giải VĐQG Thái Lan vào năm 2012 và từng có buổi thử việc với đội bóng Đức Hamburg, trước khi chuyển đến thi đấu cho đội bóng Nhật Bản Consadole Sapporo vào năm 2017. Chanathip ký hợp đồng Consadole Sapporo vào năm anh 25 tuổi và bản hợp đòng đó đã đạt được thành công vang dội cả trong và ngoài sân cỏ.

Trong mùa giải thứ hai của Chanathip ở Nhật Bản, tiền vệ tấn công có chiều cao vỏn vẹn 1m58 đã ghi 8 bàn thắng, giúp Consadole cán đích ở vị trí thứ 4 tại J.League một kỷ lục cho câu lạc bộ. Với thành tích này, anh được chọn vào đội hình tiêu biểu của J.League mùa giải đó, trở thành cầu thủ Đông Nam Á đầu tiên có được vinh dự này.

Việc Chanathip chuyển tới J.League tốt cho cả cá nhân anh lẫn giải VĐQG Nhật Bản

"Bóng đá Nhật Bản rất nhanh và giàu thể lực", Chanathip nhận xét về môi trường J.League sau khi đã đạt được những thành tựu đầu tiên, “Các cầu thủ ở đây rất kỷ luật, vì vậy nếu nhiều cầu thủ Thái Lan đến Nhật Bản, họ sẽ có thể học hỏi rất nhiều điều và trở thành những cầu thủ giỏi hơn."

Trong khi việc chơi ở một môi trường có trình độ cao hơn giúp Chanathip nâng tầm đẳng cấp của anh thì ở khía cạnh khác, sự có mặt của Chanathip cũng giúp J.League quảng bá hình ảnh đến xứ sở chùa vàng. Gần 1,5 triệu người theo dõi các trận đấu bóng đá mỗi năm ở Thái Lan và các quan chức bóng đá Nhật Bản đã nhanh chóng nhận ra đó là một “miếng bánh béo bở”.

Thời điểm mà Chanathip đặt chân đến Nhật Bản cũng là lúc các đội bóng của xứ mặt trời mọc gây chú ý với một loạt những bản hợp đồng cùng các tên tuổi lớn của bóng đá thế giới. Ngay cả khi đã qua thời kỳ đỉnh cao phong độ, sự xuất hiện của các ngôi sao lừng danh Andres Iniesta, David Villa và Fernando Torres ở J.League vẫn mang ý nghĩa quan trọng trong chiến dịch nâng tầm giải VĐQG Nhật Bản trong khu vực sau giai đoạn mà Chinese Super League của Trung Quốc gây “náo loạn” bởi các các bản hợp đồng chuyển nhượng kỷ lục.

Chanathip cũng đã giúp cho J.League tiến vào thị trường Thái Lan

Trong mùa giải 2017, chính phủ Trung Quốc đã áp dụng mức thuế 100% đối với các bản hợp đồng mua sắm ngoại binh có mức phí chuyển nhượng cao hơn 7 triệu đô la nhằm tăng cơ hội cho các cầu thủ trẻ địa phương. Đồng thời, giới hạn về số lượng cầu thủ nước ngoài ở một trận đấu tại CSL đã được giảm từ 4 xuống 3 cầu thủ cho mỗi đội.

Ngược lại, kể từ năm 2017, J.League đã cho phép mỗi đội ký hợp đồng với một cầu thủ từ một quốc gia thuộc AFC - Liên đoàn bóng đá châu Á ngoài hạn ngạch cầu thủ nước ngoài sẵn có. “Chúng tôi muốn tạo ra sự quan tâm đến giải đấu của mình không chỉ ở Nhật Bản mà còn ở châu Á và trên toàn thế giới”, Chủ tịch J.League Mitsuru Murai cho biết vào thời điểm đó, “Với những cầu thủ như Chanathip, chúng tôi cảm thấy mình đang đi đúng trên con đường đạt được những mục tiêu đó”

Chanathip đã mang đến cho J.League một cú hích lớn ở Thái Lan, nơi anh đã là một ngôi sao thời còn khoác áo Muangthong United. Lượng người xem truyền hình Thái Lan ở một trận đấu thuộc J.League đã đạt mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2017 khi trận đấu giữa Consadole và Kawasaki Frontale thu hút khoảng 400.000 người xem truyền hình Thái Lan, vượt xa so với trận đấu của đội bóng nổi tiếng nhất trong nước là Buriram United.

Ngôi sao của bóng đá Thái Lan cũng đã trải qua nhiều thử thách để có được thành công

Không chỉ có các trận đấu chính thức, sức hấp dẫn của Chanathip còn khiến chính những người Nhật Bản phải bất ngờ. Chủ tịch J.League Mitsuru Murai chia sẻ: “Tôi rất ngạc nhiên khi một video về buổi tập đầu tiên của Chanathip ở Sapporo đã thu hút 3 triệu người xem, nhiều hơn toàn bộ dân số của Sapporo. Chanathip thực sự đã tạo ra ảnh hưởng rất lớn đến J-League."

J.League hy vọng thành công của họ ở Thái Lan có thể được nhân đôi ở các quốc gia Đông Nam Á khác, nơi các chương trình phát sóng các giải đấu hàng đầu châu Âu vốn thống trị tỷ suất người xem.

Với Chanathip, anh bắt đầu được gọi là “Messi Thái” bởi lối chơi đầy kỹ thuật của mình, nhưng ngôi sao bóng đá Thái Lan vẫn cố gắng giữ được đôi chân trên mặt đất. “Bóng đá là môn thể thao phổ biến trên toàn thế giới và nó cũng rất phổ biến ở Thái Lan”, Chanathip chia sẻ, “Người hâm mộ đặt cho tôi biệt danh 'Messi' và đó là một vinh dự lớn, nhưng Messi là cầu thủ nổi tiếng thế giới, hay nhất thế giới. Tôi không thể giống như Messi, nhưng tôi rất vui khi được gọi như vậy”

Chanathip hạnh phúc khi được gọi là "Messi Thái Lan", nhưng hình mẫu đầu tiên mà anh hướng tới là Diego Maradona

Chanathip sinh ra ở miền Trung Thái Lan và có những bài học bóng đá đầu tiên từ cha mình, một người hâm mộ cuồng nhiệt của huyền thoại người Argentina Diego Maradona. Cha của Chanathip đã cho anh xem các video về Maradona và khuyến khích con trai của mình bắt trước các kỹ thuật chơi bóng, khả năng rê dắt của “Cậu bé vàng”.

Những video đó giúp Chanathip nuôi dưỡng một giấc mơ lớn. Dù đã có những thành công ở bước đầu tại Nhật Bản, Chanathip cho biết anh vẫn không từ bỏ ước mơ chuyển tới những sân chơi hàng đầu của bóng đá thế giới. “Nếu tôi có cơ hội chơi bóng ở châu Âu, tôi rất vui khi được tham gia một thử thách mới”, Chanathip tuyên bố. Nhưng đó là câu chuyện của vài năm trước.

Chanathip đã xây dựng được thương hiệu riêng của mình, nhưng giấc mơ châu Âu không còn nữa

Ngôi sao Thái Lan đã trải qua 4 năm rưỡi với Consadole Sapporo, ghi 15 bàn sau 123 trận, trước khi gia nhập Kawasaki Frontale đầu năm nay với mức phí chuyển nhượng kỷ lục J.League gần 4 triệu USD. Đó là một bước tiến lớn bởi Kawasaki Frontale đang là một thế lực thực sự của bóng đá Nhật Bản với 4 chức vô địch J-League trong 5 năm qua.

Chanathip, còn được gọi là "Jay" ở quê nhà, muốn chứng tỏ cho những người hâm mộ bóng đá Thái Lan rằng anh có thể đáp ứng kỳ vọng của họ. “Tôi đã có thể chơi một số trận đấu dưới sức mình kể từ khi tôi gia nhập Frontale và thành thật mà nói, tôi đã có một số khoảnh khắc tốt và một số khoảnh khắc tồi tệ. Tôi vẫn đang làm quen với các đồng đội của mình và khả năng liên kết của tôi với họ có thể trở nên tốt hơn. Tôi phải tiếp tục thích nghi và thể hiện những gì tôi có thể làm”.

Về hành trình của mình, Chanathip chia sẻ anh đã gặp khó khăn khi mới chuyển đến J.League nhưng "trí tưởng tượng và tầm nhìn đã phát triển" sau gần 5 năm ở Nhật Bản. Anh cho rằng J.League là một cấp độ cao hơn nhiều giải đấu châu Âu và muốn thấy nhiều cầu thủ Thái Lan tiếp bước mình bằng cách chuyển ra nước ngoài.

“Nghe có vẻ thiếu tôn trọng khi nói rằng bạn không thể so sánh giải VĐQG Thái Lan và J.League, nhưng bạn thực sự không thể", anh nói, “Hầu hết cầu thủ ở J.League là những vận động viên chuyên nghiệp và mọi đã như vậy trong một thời gian dài. Rất khó để so sánh 2 giải đấu”. Ở tuổi 28, Chanathip cũng thừa nhận rằng anh không “sẵn sàng về mặt kỹ thuật hay thể chất” để chơi bóng ở châu Âu, nhưng có rất nhiều tham vọng muốn đạt được cùng với Kawasaki Frontale.

Câu chuyện của Chanathip có thể là bài học cho nhiều cầu thủ Việt Nam

Tuyên bố đó, cùng với vị thế mà Chanathip hiện có, là điều đáng suy ngẫm với các cầu thủ Việt Nam.

Trong trận đấu giữa Hoàng Anh Gia Lai và Yokohama F.Marinos mới đây ở AFC Champions League, đã có một cuộc hội ngộ thú vị ngoài sân cỏ giữa đội trưởng Nguyễn Tuấn Anh của HAGL và thủ môn bắt chính cho đội bóng Nhật Bản Yohei Takaoka.

Cả hai từng làm đồng đội tại Yokohama FC năm 2016. Khi đó, Tuấn Anh được HAGL cho Yokohama FC mượn. Tuy nhiên trong khoảng thời gian tại Nhật Bản, tiền vệ sinh năm 1995 có rất ít cơ hội được ra sân. Dấu ấn mà anh để lại chỉ là 1 bàn thắng tại Cúp Hoàng đế. Chấn thương đầu gối cũng đã ảnh hưởng lớn đến màn trình diễn của tiền vệ này. Kết thúc mùa bóng 2016, Tuấn Anh trở lại Hoàng Anh Gia Lai.

Trong khi đó, Yohei Takaoka có bước tiến lớn trong sự nghiệp. Sau thời gian bắt cho Yokohama FC, thủ môn sinh năm 1996 này đã chuyển sang khoác áo Sagan Tosu. Năm 2020, anh chuyển sang Yokohama F. Marinos, 1 trong những đội bóng giàu thành tích nhất của Nhật Bản. Yohei đã có 42 trận ra sân cho Yokohama F. Marinos. Phong độ xuất sắc của Yohei góp công lớn giúp Yokohama F. Marinos có vị trí thứ 2 tại J.League, chỉ sau Kawasaki Frontale của Chanathip.

Tuấn Anh và người bạn cũ ở Yokohama F.C, thủ môn Yohei Takaoka

Trường hợp thất bại của Tuấn Anh không phải là duy nhất. Công Phượng, Xuân Trường cũng đã từng không thể xây dựng được tên tuổi của mình khi chuyển tới các đội bóng của Nhật Bản hay Hàn Quốc. Bóng đá Việt Nam vẫn đang chờ đợi một trường hợp xuất ngoại thành công và tạo nên thương hiệu riêng như Chanathip.

Nhưng từ câu chuyện thành công của chính Chanathip và thất bại của những cầu thủ như Tuấn Anh, bóng đá Việt Nam rút ra được bài học gì? Phải chăng việc đặt ra mục tiêu chơi bóng tại châu Âu là một cái đích quá tầm khi ngay chính ở môi trường châu Á các cầu thủ Việt Nam còn chưa thể có được những thành công như Chanathip, từ đó cần xác định lại những bước đi chiến lược bài bản cho cầu thủ Việt xuất ngoại? Đó là những câu hỏi thật sự không dễ để trả lời!