ĐT Việt Nam: Trong nhiều cái thiếu có một cái yếu

Thất bại là điều không ai mong muốn nhưng cơ bản nhất là sau thất bại ta đứng dậy ở tâm thế nào. Và muốn có thể đứng dậy nhanh nhất, vững vàng nhất, cần tinh thần cầu thị để biết mình cần thay đổi gì…

HÀ QUANG MINH

Để nói về những cái thiếu của ĐT Việt Nam sau trận thua Thái Lan 0-2 thì có lẽ sẽ nhiều người chỉ ra được rất cụ thể chúng ta thiếu những gì. Từ tính đột biến của hàng công cho tới khả năng phòng ngự sớm đón lõng (rest-defence); từ sự tỉnh táo của các cầu thủ khi trọng tài và đội bạn khiến ta ức chế cho tới những mạnh dạn thay đổi nhân sự ở biên vv và vv…, có nhiều thứ còn tồn đọng lắm. Nhưng có một cái yếu chưa nhiều người nhắc tới mà cái yếu đó không chỉ thể hiện ở trận gặp Thái vừa rồi. Nó đã hiển lộ từ suốt mấy năm qua và càng ngày càng cho thấy đã thành một tập quán thực sự.

Trong trận thua Thái Lan, có một tình huống rất thú vị của ĐT Việt Nam là khi chúng ta được hưởng quả đá phạt ở phía bên cánh trái theo hướng tấn công của ta. Công Phượng đứng trước bóng, Quang Hải cúi xuống buộc lại dây giày ngay khu vực cơ hội (zone 14) sát vòng cấm. Khu vực cầu môn của Thái Lan đang tập trung đông người và tranh chấp lộn xộn. Phượng đưa quả bóng sệt ra cho Hải, Hải bật dậy rất nhanh tiếp bóng và sút xa. Cú sút không trúng đích nhưng đó là một pha dàn xếp đá phạt rất thông minh và giàu tính cơ hội. Nhưng rất tiếc, đó gần như là pha đá phạt khôn ngoan hiếm hoi của ĐT Việt Nam kể từ thời ông Park Hang Seo cầm quân đến nay.

Nói thẳng, ĐT Việt Nam không có bài đánh cố định.

XEM THÊM

Chanathip bị Quế Ngọc Hải chơi tiểu xảo dẫn đến đá hỏng penalty

Park Hang Seo cạn lời với trọng tài

ĐT Việt Nam rất thiếu những đòn đánh cố định

Kể từ đầu giải AFF Cup tới nay, ĐT Việt Nam được hưởng cố định rất nhiều ở mỗi trận cầu. Tổng số pha cố định chúng ta được hưởng cho tới hết trận lượt đi bán kết là 80. Trong số đó có tới 27 pha đá phạt góc. Như vậy, tính trung bình mỗi trận ĐT Việt Nam được hưởng hơn 5 quả phạt góc mà nhiều nhất là ở hai trận gặp Cambodia (9) và Indonesia (7). Nhưng nếu điểm lại cả 27 pha đá phạt góc ấy, có thể nói gần như không có một pha bóng nào mang tính nguy hiểm đối với khung thành đối phương cả.

Đó là còn chưa kể đến những pha đá phạt từ hai hành lang và gần cầu môn. Thực tế, trừ những pha đá phạt trực tiếp được thực hiện bởi Quang Hải ra, ĐT Việt Nam vô hại trước đối thủ ở các tình huống cố định.Và trong bóng đá hiện đại, khi tấn công không mang lại hiệu quả, cố định luôn là một vũ khí mang lại cơ hội lớn nhất để giải quyết thế trận bế tắc.

Dễ nhận thấy, xu hướng đá phạt góc của ĐT Việt Nam là cố gắng đưa bóng ra cột 2. Từ đó, các cầu thủ có thể hình tốt sẽ tranh chấp trên không để nhả bóng lại cho tuyến hai dứt điểm. Nhưng đáng tiếc, bài đá phạt cũ rích ấy của chúng ta đều đã được các đối thủ nghiên cứu kỹ. Họ phong toả cột 2 rất tốt. Đồng thời, họ cũng sắp xếp nhân sự đón bóng 2 rất kỹ. Và so sánh với AFF Cup 2018, chúng ta sẽ nhận ra rằng ĐT Việt Nam hiện nay đang kém hơn chính mình ở khâu quản lý bóng 2 từ các pha tấn công cố định này.

Lối chơi của ĐT Việt Nam dựa trên việc phát động từ biên rất nhiều và luôn cố gắng tiếp cận 2 nách vòng cấm đối thủ. Khi lối chơi này phát huy tác dụng tốt trước một đối thủ phòng bị kém, chúng ta có nhiều cơ hội dứt điểm trong tình huống bóng mở. Tuy nhiên, khi chúng ta trở thành đối tượng bị soi nhiều nhất do các thành tích quá tốt suốt mấy năm qua, việc đối thủ cố gắng khoá chặt đường vào khung thành đã khiến tần suất được hưởng phạt góc của ĐT Việt Nam cũng nhiều hơn. Khi được hưởng phạt góc nhiều hơn, việc trau dồi những bài đánh cố định là một tất yếu cần phải được thực hiện. Nhưng khá tiếc là chúng ta đã bỏ qua mảng miếng này để dẫn tới việc các tình huống cố định của ta lúc này là rất yếu.

XEM THÊM

ĐT Việt Nam suýt đánh nhau với ĐT Thái Lan

Đt Việt Nam sẽ có một trận lượt về rất khó khăn

Quay lại với trận gặp Thái, ở hiệp 1, khi trên hàng công của chúng ta là Công Phượng, Văn Toàn, những cầu thủ có thể hình không phải lý tưởng cho bóng bổng, việc thực hiện cố định bằng các pha treo bổng là vô nghĩa và thực tế nó đã cho thấy sự vô nghĩa ấy. Giả sử, nếu trong vòng cấm của ĐT Việt Nam có một người như Tiến Linh hoặc có chất lượng chơi bóng bổng như Anh Đức trước kia, cách đá phạt như vậy có thể còn có cơ may phát huy hiệu quả. Rõ ràng, khi bài đánh không phù hợp với con người, bài đánh ấy cần phải được xem xét lại một cách thấu đáo và chi tiết.

Lượt về bán kết người Thái sẽ đá thế nào: chủ động tấn công áp đặt hay chơi cầm cự chờ cơ hội phản công? Chưa ai trả lời được câu hỏi mà đáp án đầy tính phỏng đoán ấy cả. Nhưng chắc chắn, để cứu vãn cơ hội, ĐT Việt Nam buộc phải tìm bàn thắng và điều đó có thể dẫn tới các khả năng được hưởng cố định rất cao. Nhưng chỉ trong vòng vài hôm, việc chuẩn bị các dàn xếp cố định liệu có kịp và trở nên nhuần nhuyễn như một bài đánh mới? Đề bài này quá khó, nhất là khi bản thân ông Park Hang Seo cũng chẳng phải một vị thần.

Thôi thì được tới đâu hay tới đó. Nhưng tính toán lối đánh cố định cho lượt về vòng loại World Cup thứ 3 ngay từ lúc này cũng chưa phải là muộn. Vả lại, sau ngần ấy năm, ĐT Việt Nam cũng đã đến lúc cần phải làm mới lại mình rồi.

XEM THÊM

Trọng tài, bóng ma hàng thủ và “cánh én” Quang Hải trong thất bại của Việt Nam

 On Football