Mua Ronaldo là sai lầm chết người của MU

Ronaldo vẫn là cây săn bàn hàng đầu, nhưng việc siêu sao người Bồ Đào Nha không chịu pressing khiến chiến thuật của MU gặp nhiều xáo trộn.

Trong hơn 2 năm làm việc tại MU, dấu ấn chiến thuật Ole Solskjaer để lại là không nhiều. Những bản hợp đồng bom tấn lần lượt đến với sân Old Trafford. Thực tế, thứ hạng của đội bóng này cũng cải thiện qua từng mùa giải (4 lên 2). Tuy nhiên, "Quỷ đỏ" đang có dấu hiệu chững lại và điều đó chắc chắn không có lợi trên cuộc đua giành ngôi vương.

Ngay cả những chuyên gia thân thiện trên sóng truyền hình, phần lớn là đồng nghiệp cũ của Solskjaer, cũng bắt đầu đặt dấu hỏi về kế hoạch tương lai cho MU. Họ hoài nghi rằng đội chủ sân Old Trafford hiện tại chỉ là tập thể gồm nhiều cái tên xuất chúng, bước vào trận đấu với sự mơ hồ và hy vọng một trong số đó tỏa sáng để giải cứu CLB.

Ronaldo không pressing mà chỉ muốn trở thành điểm đến của những đường chuyền quyết định. Ảnh: Reuters.

Năm 2017, Antonio Conte tới Premier League và đặt ra tiêu chuẩn về chiến thuật cho các CLB lớn ở giải đấu này. Với một đội bóng lớn, những pha triển khai tấn công phải trở thành bản năng của các cầu thủ, hoặc ít nhất, được vận hành như một cỗ máy. Để có được điều này, tư duy chiến thuật phải được khắc ghi vào tâm trí, thông qua "trí nhớ cơ bắp" sau nhiều ngày rèn luyện trên sân tập. Giành hơn 90 điểm/mùa cũng vì thế trở thành điều kiện cần và đủ với những nhà vô địch.

Cán cân tài chính chênh lệch trong bóng đá buộc các CLB hàng đầu thường xuyên phải đối mặt với những hàng phòng ngự chắc chắn. Do đó, từng chi tiết nhỏ trong chiến thuật, từ vị trí đứng, hướng chạy tới đường chuyền để kéo giãn hàng thủ đối phương, phải được thiết kế một cách tỉ mỉ. Jurgen Klopp, Pep Guardiola và Thomas Tuchel là những ví dụ điển hình nhất cho mẫu HLV hiện đại như vậy.

Brendan Rodgers cũng là một người như thế. Đó là lý do Leicester của ông có thể đánh bại MU với tỷ số 4-2 ở trận đấu vừa qua. Chú ý tới từng chi tiết, đảm bảo cự ly đội hình giữa các tuyến, dồn ép đối phương và di chuyển một cách đồng bộ sẽ giúp đội bóng vận hành tốt hơn, thay vì hệ thống chiến thuật mơ hồ của MU hiện tại.

"Quỷ đỏ" sẽ không vô địch Premier League chừng nào Solskjaer còn cầm quân theo kiểu này. Câu hỏi đặt ra chỉ là tại sao ông luôn giành chiến thắng đậm ở thời điểm tưởng như chuẩn bị bước lên đoạn đầu đài. Mối quan hệ tốt của chiến lược gia người Na Uy với giới chủ, cánh báo chí và các cầu thủ vô tình đưa MU vào cái bẫy chết người: Solskjaer chưa tệ đến mức bị sa thải và CLB không sẵn sàng hy sinh để tạo ra bước nhảy vọt mới.

Song, việc ký hợp đồng với Cristiano Ronaldo có lẽ bắt đầu khiến các cổ động viên thất vọng.

Tính đến mùa giải năm nay, MU biết cách giành chiến thắng trước các đội bóng lớn nhờ triển khai hệ thống phản công. Trong đó, các cầu thủ lùi sâu đội hình và đưa bóng lên tuyến trên theo cách đơn giản nhất có thể.

Đội chủ sân Old Trafford đang trải qua chuỗi trận "ác mộng" với 5 đối thủ thuộc nhóm "Big Six" trước khi tháng 11 khép lại. Nếu vượt qua khoảng thời gian này, đội bóng của Solskjaer sẽ khôi phục cả thứ hạng lẫn sự tự tin. Tuy nhiên, sự sụp đổ trước Leicester cho thấy Ronaldo khiến MU chơi tệ hơn những gì họ tưởng.

Solskjaer lâm vào bế tắc khi khó để Ronaldo dự bị. Ảnh: Reuters.

Việc CR7 không thích pressing trở thành căn bệnh lây nhiễm cho toàn đội MU. Ronaldo không áp sát, không biết cách cắt đứt đường chuyền, đồng nghĩa đối thủ có thể dễ dàng triển khai những tình huống tấn công.

Tiền đạo là tuyến phòng ngự đầu tiên khi đội bóng ở thế phải chống pressing. Đó là lý do hầu hết CLB lớn ngày nay đều chơi sơ đồ 4-4-2 với sự kỷ luật khi mất bóng, để 2 tiền đạo có thể gây sức ép lên hàng tiền vệ đối phương và ngăn chặn các đường chuyền đầu tiên. Song, đó không phải những gì MU đang thể hiện với Ronaldo.

Siêu sao người Bồ Đào Nha muốn đồng đội pressing trong khi anh trở thành điểm đến của những đường chuyền quyết định. Việc thiếu hụt nhân sự trong khâu triển khai pressing khiến những pha tấn công của MU dễ dàng bị bẻ gãy.

Sẽ là sai lầm nếu cho rằng chỉ cần một tiền vệ phòng ngự đẳng cấp là đủ để cải thiện tình hình của thầy trò Solskjaer. Đây là vấn đề mang tính hệ thống, khiến hàng tiền vệ "Quỷ đỏ" luôn phải đối diện với khoảng trồng khổng lồ. Solskjaer không huấn luyện học trò giải quyết điều đó. Giờ đây, với sự lười biếng của Ronaldo, hàng tiền vệ và tuyến phòng ngự của MU càng ngày phải chịu càng nhiều áp lực.

Vấn đề đó trở thành điềm báo chẳng lành với đội chủ sân Old Trafford trước trận đấu với Liverpool và Man City, những đội trước đây phải vật lộn đối phó với hàng phòng ngự chắc chắn của MU, nay đã có thể thoải mái di chuyển và đưa bóng qua các tuyến.

Đoàn quân của Solskjaer bước vào trận đấu mà không biết cách gây áp lực, chơi không giống như một tập thể. Với sự có mặt của CR7, Mason Greenwood phải đá ở cánh phải, Paul Pogba bị nhồi nhét một cách khó chịu ở hàng tiền vệ 2 người, trong khi Marcus Rashford chắc chắn không hài lòng khi phải ngồi dự bị quá nhiều.

Ronaldo đã gây ra khá nhiều bất ổn cho MU. Giờ đây, việc chiêu mộ siêu sao người Bồ Đào Nha giống như một sai lầm với đội chủ sân Old Trafford. MU hiện tại là đội bóng không có bản sắc rõ ràng, cũng chẳng có kế hoạch nào ngoài việc hy vọng các cá nhân tỏa sáng để tạo ra một khoảnh khắc kỳ diệu.

Tuy nhiên, không đơn giản để Solskjaer cho CR7 dự bị bởi anh là biểu tượng của CLB và cũng có khả năng phá vỡ bất kỳ hàng phòng ngự chắc chắn nào. Chiến lược gia người Na Uy mắc kẹt với bản hợp đồng trở lại từ Juventus, bởi MU rõ ràng đang bất ổn và xuống phong độ một cách rõ rệt.

 Tuấn Tú