Công bằng nào cho thầy Park?

Sau những phát ngôn của bầu Hiển, có lẽ đây là lần đầu tiên sau hơn 4 năm, HLV Park Hang Seo bước vào một trận đấu với nhiều hoài nghi đến vậy.

Cách đây 4 năm (có lẻ), HLV Park lần đầu đến Việt Nam với nhiều hoài nghi. Ở thời điểm đó, tuyển Việt Nam đang trải qua giai đoạn đi xuống với thành tích sa sút ở hàng loạt giải đấu. Song, chỉ với VCK U23 châu Á, chiến lược gia người Hàn Quốc đã thắp lại hy vọng cho hàng triệu cổ động viên bóng đá với thành tích vào tới chung kết và chỉ để thua Uzbekistan sau 120 phút chiến đấu kiên cường trên tuyết trắng.

Chiến tích Thường Châu đó đã tạo nên một thế hệ cầu thủ tài năng bậc nhất lịch sử bóng đá Việt Nam, và cũng thắp lên ngọn lửa hy vọng vốn đã nguội lạnh sau nhiều năm người hâm mộ trao gửi niềm tin nhưng không được đáp lại xứng đáng.

Thất bại trước tuyển Trung Quốc khiến HLV Park cùng các học trò đối mặt nhiều chỉ trích. Ảnh: VFF.

Những chiến quả sau đó tại ASIAD 18, Asian Cup 2019 và chức vô địch AFF Cup 2018 cùng HCV SEA Games 30 càng khiến vị thế của HLV Park được nâng lên một tầm cao mới. Chiến lược gia người Hàn Quốc trở thành một "vị thánh" đúng nghĩa trong lòng người hâm mộ. Bởi bất chấp việc có "bảo thủ", theo nhận định của một số người sau những trận đấu gần đây của tuyển Việt Nam, ông vẫn biết cách đưa "Những chiến binh sao vàng" đạt được mục tiêu sau cùng.

Đó là cho đến khi bước vào vòng loại cuối World Cup 2022. Sẽ là hão huyền nếu nói đến thời điểm này, tuyển Việt Nam vẫn còn cơ hội giành vé dự... VCK World Cup sắp tới diễn ra tại Qatar. Thực tế, ngay cả việc giành điểm giờ cũng là mục tiêu khó khăn với HLV Park cùng các học trò. Song, điều này đã được đưa ra bàn luận khi các cầu thủ còn đang chinh chiến tại UAE trong những trận đấu cuối cùng của vòng loại thứ hai.

Tuy nhiên, những kết quả tích cực đến liên tiếp đã khiến người hâm mộ quên đi thực tế rằng 4/5 đối thủ của tuyển Việt Nam tại vòng loại trước là các đội bóng đến từ Đông Nam Á, nơi "Những chiến binh sao vàng" đã xưng vương cách đây gần 3 năm. Bước vào vòng loại cuối, trước những "ông lớn" của khu vực như Nhật Bản, Saudi Arabia, Australia, Trung Quốc hay Oman, xét về trình độ và lực lượng, chúng ta không có nhiều lợi thế.

Đó cũng là lý do HLV Park lựa chọn tiếp cận 3 trận đấu gần đây theo lối chơi phòng ngự phản công quen thuộc (trước Saudi Arabia và Australia) hoặc đá có phần thăm dò đối thủ (trước Trung Quốc). Tuyển Việt Nam đã vươn lên dẫn trước ở trận ra quân và thi đấu quả cảm trước khi để thua ngược vì mất người. Trong 2 cuộc đối đầu sau đó, HLV Park cùng các học trò chỉ nhận thất bại với cách biệt tối thiểu. Nếu không đặt nhiều kỳ vọng và áp lực tới vậy, phải chăng đây đã là kết quả tích cực với một đội bóng chỉ mới lấy lại vị thế ở Đông Nam Á được một vài năm?

Người hâm mộ bóng đá Việt Nam đã quen với chiến thắng dưới thời HLV Park. Thất bại giờ đây trở thành một viễn cảnh khó có thể chấp nhận. Xét về mặt chuyên môn, bất cứ cái đầu lạnh nào cũng phải thừa nhận vòng loại cuối là "biển lớn" dù HLV Park có đang sở hữu trong tay một "thế hệ vàng". Song, người ta sẽ không tin những gì người ta không muốn tin. Và câu chuyện về sự bảo thủ hay những quyết định thay người và chiến thuật của nhà cầm quân người Hàn Quốc một lần nữa được đem ra mổ xẻ gay gắt hơn bao giờ hết.

Bầu Hiển thẳng thắn góp ý cho rằng HLV Park bảo thủ.

Sau thất bại trước Trung Quốc, ông bầu Đỗ Quang Hiển của CLB Hà Nội thẳng thắn đưa ra bình luận: "Tôi luôn ủng hộ HLV Park và đội tuyển Việt Nam một cách tối đa. Ai cũng vì màu cờ, sắc áo, hướng tới chiến thắng của đội tuyển. Nhưng ủng hộ không có nghĩa thấy sai mà không có phản biện. Bóng đá luôn thay đổi, nên chúng ta cũng cần làm mới mình. Tôi quan sát và thấy HLV Park lười làm mới, hay nói đúng hơn là bảo thủ".

"Có thể do ít người đóng góp ý kiến, phản biện ông Park. Các trợ lý không đủ bản lĩnh góp ý, giúp ông thay đổi. Tôi rất ủng hộ HLV Park nhưng đã tới lúc chúng ta phải thay đổi, từ đội tuyển Việt Nam tới HLV Park. Thay đổi thì mới duy trì được thành công", ông nói thêm.

Trước đó, Nguyễn Thanh Bình, cầu thủ trẻ được đưa vào sân thay người và mắc sai lầm dẫn đến 2 bàn thua của tuyển Việt Nam, bị cư dân mạng đưa lên đoạn đầu đài. Đến giờ, phát ngôn của bầu Hiển lại như một mồi lửa bỏ vào "đống rơm" đang chực chờ cháy bùng lên trên mạng xã hội.

Và như một lẽ thường, HLV Park đứng ra nhận toàn bộ chỉ trích hướng tới các học trò và đội ngũ trợ lý. Có lẽ nhà cầm quân người Hàn Quốc đã lường trước điều này nếu thành tích của tuyển Việt Nam đi xuống, nhưng khó có thể tin nó tới sớm như vậy, đặc biệt trong thời điểm lẽ ra ông cùng các học trò phải nhận được sự động viên to lớn từ người hâm mộ nước nhà.

"Tiêu chuẩn kép" là thứ từ lâu tuyển Việt Nam đã phải đối mặt. Người hâm mộ không thể đòi hỏi "Những chiến binh sao vàng" chơi sòng phẳng và áp đảo các "ông lớn" tại châu Á như những gì từng thể hiện trong chiến thắng 4-0 trước Indonesia ở vòng loại thứ hai. Càng đi sâu, thách thức càng lớn nhưng chỉ có chiến thắng mới giúp thầy trò HLV Park thoát khỏi chỉ trích.

Có đi thì mới thành đường. Nếu chiến lược gia người Hàn Quốc sử dụng những cầu thủ tốt nhất của mình mà vẫn nhận thất bại, liệu có ai đảm bảo ông sẽ nhận được sự cảm thông? Như đã nói, mục tiêu giành vé dự VCK World Cup 2022 vốn dĩ xa vời tới mức bất khả thi, nên việc trao cơ hội cho những cầu thủ như Thanh Bình chẳng phải giúp tuyển Việt Nam có thêm cơ hội cọ xát, đồng thời đảm bảo chất lượng cho lứa kế cận khi những Quế Ngọc Hải, Bùi Tiến Dũng, Quang Hải, Tuấn Anh không còn đó?

Trận đấu với Oman vào tối 12/10 (giờ Hà Nội) không còn là liều thuốc thử với tuyển Việt Nam nữa, mà đúng hơn, trở thành thách thức lớn cho những người từng khẳng định tình yêu và niềm tin bất chấp hoàn cảnh vào HLV Park cùng các học trò.