ĐT Việt Nam trước thềm bán kết AFF Cup: Bàn về sự quả cảm và tỉnh táo

Việt Nam đụng đối thủ lớn nhất của mình ở Đông Nam Á ngay tại bán kết. Và điều đó dấy lên rất nhiều tranh cãi về đúng một chuyện: chúng ta có sợ Thái Lan hay không?

Lịch thi đấu AFF Cup 2021

Nhìn lại vòng bảng AFF Cup 2020 của Việt Nam: Mừng lẫn lo

HLV Steve Darby: ‘ĐT Việt Nam mạnh hơn Thái Lan

Hà Quang Minh

Không phải né đối thủ nào hết. Họ phải né mình. Không vượt qua được đối thủ nào là thành cựu vương. Vậy thôi.”. Đó chính là lời bình luận trên facebook của một doanh nhân tương đối nổi tiếng trên “cõi face” sau khi ĐT Việt Nam kết thúc vòng bảng ở vị trí thứ nhì, và sẽ gặp Thái Lan ở bán kết. Những chữ viết đậm là đã được chỉnh sửa làm nhẹ bớt so với nguyên văn vốn “nặng chịch”. Điều đó cho thấy, có không ít ủng hộ viên tin tưởng tuyệt đối vào sức mạnh của ĐT Việt Nam và xem đội bóng của chúng ta ở đẳng cấp “vượt trội trình độ” (nguyên gốc ngôn ngữ mạng là “out trình”) so với phần còn lại của Đông Nam Á.

Đó có phải là một tinh thần lạc quan thái quá theo đúng kiểu phép thắng lợi tinh thần của AQ hay không? Nói cho nhanh, nó là một dạng tự đắc về chính cái điều mà bản thân ta không tự biết. Thái độ của đội tuyển Việt Nam trước Thái Lan như thế nào thì bất kỳ ủng hộ viên nào cũng mù tịt hết. Chỉ cầu thủ và HLV là người nắm rõ nhất thái độ ấy mà thôi và khi ta bàn về một tâm thế của khách quan, chắc chắn độ sai lệch là cực lớn.

Nhưng nếu chúng ta có dịp được đối thoại cởi mở với các tuyển thủ Việt Nam, chúng ta sẽ phần nào hiểu ra họ nhìn nhận đối thủ Thái Lan thế nào. Thực chất, kể từ thế hệ trước, tức là thế hệ của những Việt Thắng, Tài Em, Minh Phương…, cái gọi là nỗi sợ Thái Lan đã không còn tồn tại. Thứ duy nhất mà các cầu thủ Việt Nam giữ trong tâm trí mình là một sự nể trọng đối thủ lớn ấy. Các tuyển thủ đều hiểu Thái Lan luôn là một đội bóng mạnh, ở trình độ số 1 ĐNA và nền bóng đá của họ chuyên nghiệp hơn chúng ta. Nhưng các tuyển thủ không sợ đồng nghiệp người Thái, họ đối diện người Thái với sự thích thú xen lẫn thận trọng. Nó giống như việc chơi đùa với lửa vậy. Sự thích thú đến từ việc có thể chinh phục ngọn lửa ấy và tính kích thích của những rủi ro. Sự thận trọng đến từ chính thái độ tôn trọng đối thủ và cái tỉnh táo của những người chuyên nghiệp khi hiểu rằng chỉ có vượt qua đối thủ ấy thì mới có cơ hội lên ngôi vô địch ở khu vực.

Thế hệ cầu thủ Việt Nam trước đây luôn dành sự tôn trọng cho Thái Lan

--> Có thể bạn quan tâm:

“Messi Thái” tuyên bố loại Việt Nam khỏi AFF Cup 2020

Chanathip đắt giá gấp bao nhiêu lần Quang Hải theo transfermarkt?

Những con số ấn tượng nhất vòng bảng AFF Cup 2021

Việt Nam tự tin vào chung kết sau sự trùng hợp năm 1998 và 2008

Thế hệ tuyển thủ hôm nay sự tôn trọng với đồng nghiệp Thái Lan vẫn còn nguyên. Và dường như sự thích thú xen lẫn thận trọng kia càng tăng thêm khi các tuyển thủ Việt Nam đã chứng minh bằng danh hiệu và các thành tựu ở vòng loại World Cup rằng ta đang là dội bóng số 1 khu vực. Nhưng hơn ai hết, họ hiểu vị trí số 1 chỉ luôn là đánh giá nhất thời, giống như cái trồi sụt trên bảng xếp hạng FIFA vậy. Muốn lưu giữ vị trí ấy lâu dài, phải tiếp tục chinh phục và tiếp tục tạo ra các thành quả từ tiến bộ.

Bây giờ thì quay lại với trận bán kết ngày 23/12 để đánh giá thêm nữa về sự quả cảm và sự tỉnh táo. Câu hỏi đặt ra là ĐTVN thực tế có muốn gặp Thái Lan ở bán kết hay không? Nhiều người cho rằng, gặp Singapore còn khó hơn gặp Thái Lan bởi Singapore là đội chủ nhà. Và họ biện minh cho việc ĐT Việt Nam không dấn lên mà đá ở ngay hiệp 1 sau khi dẫn 2 bàn sớm bằng lập luận “Vừa đá vừa nghe ngóng kết quả trận Malaysia - Indonesia. Gặp Singapore còn khó hơn gặp Thái”. Ồ, nếu lập luận này là đúng thì chẳng hoá ra ĐTVN sợ gặp chủ nhà chắc? Nếu mang nỗi sợ như thế thì chắc nỗi sợ Thái Lan chẳng thể nào đã bị xoá nhoà. Rõ ràng, đó là một lập luận ngớ ngẩn và tự họ đã mâu thuẫn với chính mình.

Không thể phủ nhận rằng các cầu thủ Việt Nam đã được chỉ đạo chơi 1 trận rất “nửa nạc, nửa mỡ” trước Campuchia. Nhiều người cho rằng thể lực các cầu thủ đã xuống nên không dấn lên mà đá thêm được. Lại thêm một biện minh ngớ ngẩn khác nữa. Ngay khi dẫn 2-0 mà ĐT Việt Nam đã mệt nhoài như họ nghĩ thì chúng ta tốt nhất không nên nói đến chuyện bảo vệ chức vô địch làm gì. Tất cả chỉ là do cách chỉ đạo tiếp cận trận cầu mà thôi. Công áp đặt hay phòng ngự phản công nó phải rõ ràng chứ không phải “chuyển cải lương sang chèo” theo kiểu cứ ăn được 2 bàn lại lững thững mà chơi chờ đợi cơ hội được. Cái mệt nếu có của các tuyển thủ ở hiệp 2 chỉ là do việc Indonesia có bàn nâng 4-1 ở những phút cuối nên sự sốt ruột khiến chúng ta mất sức hơn mà thôi. Và sự sốt ruột ở cuối trận ấy cho thấy ĐT Việt Nam thực sự không muốn phí sức gặp Thái ở bán kết mà hi vọng sẽ chạm trán họ ở chung kết cho đúng chất thư hùng.

ĐT Việt Nam sẵn sàng nghênh đón Thái Lan

Bây giờ, khi đã an bài rồi thì nói kiểu “gặp ai cũng phải thắng” chẳng qua là cách nói hoà vốn. Kể cả đội bóng mạnh nhất thế giới cũng không bao giờ muốn phải gặp đối thủ lớn quá sớm. Điều đó sẽ chỉ khiến chặng đường chinh phục gập ghềnh hơn, mệt mỏi hơn và tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn mà thôi.

Và nói thẳng, tuyển thủ Việt Nam vào chung kết (chưa nói đến vô địch vội) sẽ nhận nhiều tiền thưởng hơn là chỉ dừng chân ở bán kết. Với họ, bóng đá là công việc và họ muốn làm việc theo cách khôn ngoan nhất, tỉnh táo nhất, hiệu quả nhất. Cách làm việc đó, theo họ, nên là tránh gặp Thái Lan ở bán kết thì lợi ích hơn. Cái muốn tránh này không phải là nỗi sợ như suy luận, mà là sự tỉnh táo của những người chơi thể thao chuyên nghiệp, là những người chinh phục chuyên nghiệp.

Chúng ta, những ủng hộ viên, có thể hô vang lên là “không sợ người Thái, không việc gì phải né Thái” nhưng sự quả cảm không thể bằng mồm. Và sự quả cảm mà không gắn với trí khôn thì cũng thành hữu dũng vô mưu và vô ích. Cầu thủ chơi bóng quả cảm không chỉ bằng sức. Họ chơi bằng cả bộ óc mà trong đó, bộ óc chỉ đạo của ban huấn luyện nắm vai trò quan trọng vô cùng.

Đá bóng không chỉ bằng chân mà còn bằng cái đầu. Và khi đá bằng đầu, chắc chắn không ai muốn gặp đối thủ lớn quá sớm. Đơn giản là thế thôi. Còn lúc này, khi không thể tránh né sự thực, điều duy nhất chúng ta nên tin là tuyển thủ Việt Nam luôn tôn trọng trình độ của Thái Lan và việc gặp họ ở bán kết tuy gian nan song nó cũng là một lần vượt chướng ngại đầy kích thích. Vượt chướng thành công, hưng phấn từ đó có thể sẽ giúp họ có được sức mạnh hơn nữa khi bước vào trận chung kết, để tiếp tục hành trình khẳng định vị trí số 1 ĐNA của mình.