Ai ở sau Messi và Ronaldo: Mãnh sư và sói đàn

Messi và Ronaldo rõ ràng đã ở vào hoàng hôn của sự nghiệp, và câu hỏi đặt ra là thế hệ kế cận họ - ai sẽ là siêu sao sáng giá thay thế vị trí "bá chủ" mà cặp đôi này đã tranh đoạt nhiều năm qua? Nhưng để trả lời câu hỏi ấy, có lẽ phải nhìn vào bóng đá đương đại với việc đề cao hệ thống hơn là vai trò cá nhân quyết định nhiều lần...

Hà Quang Minh

Jorginho không chọn Messi hay Lewandowski cho Quả bóng vàng 2021

Benzema bứt tốc trong cuộc đua giành Quả Bóng Vàng

Jorge Mendes: 'Ronaldo sẽ giành Quả Bóng Vàng'

Sự bất công không lời giải

Sau khi Man City lội ngược dòng đả bại PSG trên sân Etihad, đã có không ít ý kiến so sánh những siêu sao tấn công PSG với các học trò của Pep Guardiola. Điển hình là tờ L’Equipe. Họ giật ra trang nhất cái tít “Moins forts que Jesus” nằm ngay kế tấm ảnh Messi chán nản cúi đầu. “Moins forts que Jesus” (nôm na là “Không mạnh bằng Jesus”) là một cách chơi chữ với ám chỉ cả Đức Jesus Cristo lẫn Gabriel Jesus của Man City.

Ám chỉ so sánh ấy của L’Equipe không đồng nghĩa là Jesus của Man City ở một trình độ bóng đá vượt trội Messi nhưng ở trong một hệ thống vận hành trơn tru hơn, rõ ràng người được cho là ít khả năng hơn đã ghi dấu ấn hơn là người luôn được đặt ở chiếu trên. Và trong bối cảnh chỉ vài ngày nữa là công bố chủ nhân giải thưởng Quả Bóng Vàng 2021, câu chuyện hệ thống và cá nhân này lại càng trở nên thú vị.

Trong danh sách rút gọn những ứng viên QBV năm nay, có thể nói Messi, Ronaldo vẫn là hai cái tên nổi trội và nặng ký. Nếu có một ai đó để cạnh tranh với họ, nhiều người nhắc tới Jorginho của Chelsea, với chức vô địch Champions League và EURO 2020. Song, thực tế từng chứng minh đã có những nhà vô địch cùng ĐTQG và cả những nhà vô địch Champions League cũng phải chào thua trước ngôi sao lớn mà điển hình là ở năm 2010, khi Messi chiến thắng cả Iniesta lẫn Sneijder.

Messi giành Quả bóng vàng 2010 đầy tranh cãi

Lá phiếu nào cũng đều mang chút cảm tính cả, dù người bầu chọn có lý tính đến mấy đi nữa. Và khi đã có chút cảm tính, người ta dễ bị ảnh hưởng bởi cá nhân hơn là tập thể bởi cá nhân toả sáng luôn có tính nổi bật hơn là một tập thể sáng đồng đều.

Ngoài câu chuyện thành tích của Jorginho kể trên, những cái tên như Salah, Kevin de Bruyne đều là những người ở tầm vóc có thể giành QBV mà không phải nhận bất kỳ một chê trách nào về trình độ cá nhân. Nhưng thực tế, họ khó có khả năng giành danh hiệu ấy, ít nhất là ở năm nay. Đơn giản, thành tích họ không vượt qua được Jorginho còn năng lực cá nhân, tính đại chúng thì họ lại khó lòng sánh tầm Messi hay CR7. Và nếu hai cái tên kia còn chật vật với QBV ở giai đoạn này thì những Jesus hay Guendogan vẫn còn ở phía sau lưng rất xa.

Như vậy, có thể nói là có một sự bất công không hề nhỏ nếu như cả sự nghiệp của Salah hay Kevin de Bruyne không thể có nổi một QBV chỉ vì họ bị khuất lấp sau lưng các siêu sao thời đại như Messi, CR7 và trong tương lai có thể sẽ là những Mbaoppe, Haaland… Và một phần tạo nên sự bất công nếu có này chính là bởi họ là những cầu thủ nằm trong tay một HLV đề cao tính hiệu dụng của hệ thống hơn là tính hiệu dụng của một ngôi sao trụ cột có thể tạo nên bước ngoặt cho thế cờ.

Ở Man City, khó ai có thể phủ nhận rằng Kevin de Bruyne là cầu thủ hay nhất, cầu thủ quan trọng nhất nhưng thực chất, mỗi lần thiếu vắng anh, Man City dường như không chịu tác động hay ảnh hưởng tiêu cực nào quá lớn. Cơ bản, Pep Guardiola không xây dựng đội bóng dựa trên kỳ vọng đặt vào một con người mà thay vào đó, ông tạo ra một cỗ máy hoàn chỉnh để phát huy hết năng lực của từng con người trong nó.

Man City không quá phụ thuộc De Bruyne

Với Pep, việc chuyền bóng mới là quan trọng nhất và luôn phải chuyền bóng có những chủ đích chứ không phải chỉ chuyền bóng an toàn. Các đường chuyền phải đảm bảo khiến cấu trúc của đối thủ bị xáo trộn và dẫn tới các tình huống bất ngờ. Đặc biệt là trong phản công. Cách phản công ưa chuộng của ông luôn là một bộ ba di chuyển hướng lên và sắp xếp với nhau theo một đường chéo. Ở đó, người dưới cùng của đường chéo nắm vai trò phát động, người trên cùng nắm vai trò kết thúc và người ở giữa luôn luôn cầm vai kiến tạo đồng thời cũng là người lui về tạo nút chặn đầu tiên khi mất bóng.

Nếu xem kỹ các trận của Man City, chúng ta có thể thấy rõ cách các đường chéo 3 người của Pep vận hành thế nào. Đặc biệt, khi nút ở giữa có xu hướng bắt đầu hơi dịch chuyển ra biên, nút trên cùng luôn di chuyển với ý thức tạo ra khoảng trống để có thể đón ngay đường chuyền và kết liễu đối thủ. Trong một hệ thống vận hành như thế, chúng ta sẽ thấy nút chính giữa luôn thay đổi giữa những cái tên De Bruyne, Guendogan, Sterling, Jesus, Foden hay Mahrez. Chính vì sự thay đổi quyền biến và linh hoạt này đã chứng minh một cách rất dễ hiểu vì sao ở Man City các cầu thủ như Jesus, De Bruyne hay Sterling không bao giờ là một nhân vật nổi trội hơn tất cả. Mỗi người đều phải phục vụ hệ thống này và đề cao tính khoa học của nó thay vì việc muốn tự mình bùng nổ và trở thành tâm điểm của mọi tình huống tấn công.

Trong khi đó, ở Liverpool, tính hệ thống cũng là thứ được xem là ưu tiên hàng đầu. Klopp do đó có thể thay thế một Coutinho ra đi không khó khăn chút nào và sau đó, sử dụng Jota luân phiên với một Firmino đang hiệu dụng một cách rất trơn tru, không hề gặp trở ngại nào. Và trong hệ thống đó, ngay cả cá nhân được xem trọng hơn cả là Salah cũng không nắm bất kỳ một đặc quyền ngôi sao nào. Klopp không tạo ra đội bóng để phục vụ sự toả sáng của cá nhân Salah mà ngược lại, ông đặt Salah vào một tập thể mà nhờ vào việc phục vụ tốt tập thể này, anh mới có thể ghi bàn.

Chính vì thế, bàn thắng của Man City và Liverpool đến từ rất nhiều điểm khác nhau chứ không hề phụ thuộc vào một cá nhân săn bàn cụ thể. Tư duy bóng đá này khác hẳn so với những gì diễn ra cách đây 10, 20 năm hay hơn nữa. Nó giúp đội bóng không bị lệ thuộc vào phong độ của một cá thể ngôi sao một cách đầy may rủi. Nó đáp ứng rất tốt nhu cầu xoay tua cầu thủ cho các cuộc đua đường dài. Và ở thời đại này, nó hiệu dụng vô đối nếu như HLV cầm một đội bóng không thuộc hàng mạnh nhất về tài chính để từ đó, chuyện bán đi các cầu thủ ngôi sao không còn là một vấn đề quá đau đầu.

Dấu ấn cá nhân có còn như xưa?

Bây giờ thì trở lại với vai trò cá nhân. Ắt có người sẽ nói “vậy thì không lẽ sự toả sáng của Messi, Ronaldo bao năm qua là thứ gì mà nó có thể khiến họ thắng lợi trước các hệ thống chặt chẽ?”. Thậm chí, có người còn hỏi “Thời Pep còn cầm Barca, không lẽ ông không tạo ra hệ thống tập thể như hôm nay mà thay vào đó đã tạo ra một hệ thống chỉ phục vụ một mình Messi?”.

Cả hai câu hỏi trên đều thú vị cả. Câu trả lời rất đơn giản. Thực chất, gần như không có một giai đoạn nào Messi hay Ronaldo được chơi trong một hệ thống chỉ phục vụ riêng mình họ mà họ lại không có bất kỳ một sự phục vụ trở lại nào cho 10 đồng đội còn lại. Chẳng qua, họ có khả năng đặc biệt vượt trội mà HLV không thể không khai thác nên từ đó, việc họ toả sáng cho khách quan có cảm giác họ đang được cả một tập thể theo hầu mà thôi.

Ỏ Barca ngày xưa, đúng là Messi là ngôi sao nổi trội nhất, là điểm uy hiếp khung thành dữ dội nhất (scoring threat) nhưng thực tế, anh luôn phải vận hành theo đúng những yêu cầu của Pep Guardiola. Khi Pep cần Messi phải đá ở biên, anh sẽ đá biên. Khi Pep nhận thấy trước đối thủ dạng này, Messi nên là người chơi gần vòng cấm nhất, anh phải luôn thâm nhập vòng cấm. Và khi Pep muốn Messi phải là người lôi kéo hàng thủ rồi từ đó phát huy khả năng kiến tạo của mình, Messi chơi số 9 ảo.

Có thể nói, dưới tay Pep, Messi đã có một thời đoạn chơi đa dạng nhất và luôn đặt mình vào tập thể chứ không phải yêu cầu cả tập thể phải phục vụ mình. Đó cũng chính là thời kỳ mà nguồn ghi bàn của Barca đa dạng vô cùng. Bàn thắng không chỉ đến từ Messi và các tiền đạo đơn thuần mà chúng còn có thể tới từ chân của Iniesta, Alba, Alves…

Còn CR7, thực tế cũng cho thấy thời kỳ rực rỡ nhất của anh ở Real là khi Zidane cầm quân. Zidane nhận thấy việc CR7 chơi ở vòng cấm là phù hợp nhất với thiên bẩm của anh nên ông đã nhấc anh từ vị trí xuất phát ở cánh trái vào trung lộ. Zidane không chỉ xác lập một vai trò cho một vị trí trong một sơ đồ mà thay vào đó, ông sử dụng cái thiên bẩm cá nhân của cầu thủ làm bàn đạp để xác lập vai trò của anh ta rồi từ đó mới tạo nên một sơ đồ hữu dụng nhất.

Ronaldo tỏa sáng trong một hệ thống phù hợp

Tin liên quan

Messi bênh vực Ronaldo giữa bão chỉ trích

Neymar kỹ thuật hơn Messi và Ronaldo

Không phải Ronaldo, Fernandes mới là niềm hy vọng số một của MU

Chính các điều chỉnh này của Zidane đã buộc Ronaldo phải rời khỏi sự tự do tối đa mà anh từng có trước kia để nhường lại vai trò số 10 thực thụ cho Isco. Trong khi đó, Benzema được khai thác hết mức khả năng mạnh nhất của anh là di chuyển không bóng. Chính hệ thống khoa học và hợp lý với năng lực cầu thủ ấy của Zidane mới khiến Ronaldo càng bùng nổ hơn và trong khi say men các bàn thắng của anh, khách quan nhiều khi vẫn lầm tưởng rằng hai cá nhân Benzema và Isco ở đó là để phục vụ một sự toả sáng duy nhất mang tên Cristiano Ronaldo.

Khi sang Juve, Ronaldo đã thay đổi khi bắt đầu có thiên hướng hoạt động nhiều ở vùng rìa vòng cấm như một số 10. Và bây giờ, ở MU, Ronaldo cũng vẫn giữ thói quen mà anh mang theo từ nước Ý. Chính điều đó dẫn tới sự chồng lấp vai trò với Bruno Fernandes trong suốt thời gian vừa qua.

Nhưng dù có từng được hoạt động trong một hệ thống hoàn chỉnh của Pep hay Zidane đi nữa, cả Messi lẫn CR7 đều không rời xa được bản chất siêu sao của họ. Chính cái vị thế siêu sao này dẫn tới việc có những HLV không thể sử dụng họ một cách hiệu quả tối đa khi chính HLV đó tự nguyện nhún mình trước vị thế siêu sao và mải mê kiếm tìm phương cách để siêu sao của mình phải luôn toả sáng.

Chính cái mải mê kiếm tìm này lại làm hại Messi và Ronaldo mỗi khi họ được đặt vào một hệ thống mới. Trong sự loay hoay đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình, họ lại phải mệt mỏi thêm một tầng khi áp lực dư luận luôn hướng về họ bằng nhận định “đó là những ngôi sao khiến cả đội phải thay đổi theo mình”.

Có thể nói, những siêu sao săn bàn kiểu Messi, Ronaldo đều như những con mãnh sư đơn độc trong màu áo họ đang phục vụ hôm nay. Mãnh sư luôn mạnh, nhanh và nguy hiểm nhưng bóng đá không phải là cuộc chiến của một người. Trong khi đó, mẫu hình của những Salah, Havertz, Mane, Jesus, Foden… lại hoàn toàn khác. Họ là những con sói trong một đàn sói.

Cách săn mồi của sói cũng khác với mãnh sư. Một đàn sói tổ chức chặt chẽ với nhau, quây đuổi một con mồi duy nhất chứ không hề bị xao lãng bởi một con mồi khác tương tự. Và chúng tấn công con mồi ấy bằng những cú táp từ bất kỳ con sói nào ở vị trí tiếp cận dễ nhất. Chính vì các cú táp ấy mà con mồi quỵ dần vì mất máu và kiệt sức. Do đó, dù một con sói nhỏ hơn một con bò mộng rất nhiều nhưng đàn sói vẫn có thể xử lý gọn con bò mộng sau một loạt các màn tấn công từ nhiều chiều. Còn con mãnh sư, việc độc lập tác chiến săn một con bò mộng là nằm trong khả năng của nó nhưng kết quả thì không phải lần nào cũng là thành công.

Nếu nhìn lại những đội bóng gần nhất lên ngôi vô địch Champions League, vô địch EURO, vô địch World Cup, chúng ta sẽ càng thấy rõ hơn vai trò của con người trong hệ thống mà họ phục vụ chứ không phải vai trò của cá nhân ngôi sao được một tập thể theo hầu. Trong một tập thể có hệ thống chuẩn mực, khoa học và hiện đại như vậy, cá nhân nào có năng lực xuất sắc sẽ tự khắc được nâng mình lên ở vai trò rường cột mà thôi. Các HLV cũng cảm thấy an tâm hơn nếu như họ quản lý một bầy sói thay vì đặt cược toàn bộ hi vọng lên một con mãnh sư.

Còn thế hệ kế tục Messi và CR7, mà cụ thể là Mbappe và Haaland, lựa chọn trở thành con sói đầu đàn hay là một mãnh sư là quyết định cũng không chỉ của riêng họ. Đơn giản, vấn đề còn nằm ở chỗ HLV của họ nhận thức về họ như thế nào và số phận sẽ trao cho họ thứ gì.

Như Mbappe chẳng hạn. Anh ta thích chơi bóng bên cạnh Benzema, vì anh ta nhìn thấy được ở đó sự phục vụ của mình là hữu ích nhất, thăng hoa nhất. Và dù anh ta có khăng khăng giữ quan điểm mình phải phục vụ người khác tốt nhất mà số phận vẫn run rủi anh ta phải trở thành siêu sao thì có tránh cách nào cũng không thoát khỏi vị thế siêu sao ấy. Cơ bản, khi đã đạt vị thế đó rồi, chơi bóng thế nào để không ai có cảm giác mình đang được cả đội hầu hạ mình mới là chuyện khó.